Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới về thi đua, khen thưởng trong khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Hội thảo được tổ chức nhằm nghiên cứu làm rõ vị trí, vai trò, thực trạng của công tác thi đua khen thưởng nhằm kiến nghị, đề xuất những nội dung đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Góp phần xây dựng Đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng trình Bộ Chính trị, tiến tới đề xuất sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã tới dự và chủ trì hội thảo.
Cùng với các phong trào thi đua của cả nước, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức được nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Công tác tôn vinh, khen thưởng được thực hiện với các đối tượng, lĩnh vực và hình thức ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng nói chung, trong khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, bất cập như: Các phong trào thi đua, các cuộc vận động còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, còn hiện tượng trùng lặp, chồng chéo, chưa đồng đều; công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực sự chưa đi vào nền nếp. Nhiều nơi khi tổ chức phát động thi đua làm rất rầm rộ nhưng sau đó lại không tích cực triển khai; một số hình thức tổ chức phong trào có biểu hiện đi theo lối mòn, rập khuôn, thiếu tính sáng tạo, chưa có tính đột phá. Việc kiểm tra, đôn đốc phong trào chưa được thực hiện thường xuyên; sơ kết, tổng kết chưa sâu, còn nặng về hình thức. Việc phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua còn lúng túng, chưa thường xuyên, kịp thời; chưa xây dựng được nhiều tấm gương điển hình, có sức hấp dẫn và thu hút mọi người làm theo…
Theo ông Nguyễn Lam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân một số nơi về vị trí, vai trò của công tác thi đua trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, chưa chủ động bám sát các phong trào thi đua, chưa thật chú trọng xây dựng bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp… Trong khi đó, một số quy định trong Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản dưới Luật còn chưa thực sự phù hợp với đặc thù khen thưởng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, chưa thực sự tạo động lực, cơ chế thuận lợi cho việc tổ chức các phong trào thi đua và động viên, khuyến khích các tổ chức, tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng trong khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là việc hết sức cần thiết để góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, trở thành động lực cách mạng to lớn, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng bằng cách kịp thời khen thưởng tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc; hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng sát với thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật Nhà nước về thi đua, khen thưởng; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng trong thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Cần sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng theo những tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt: Thi đua, khen thưởng phải đi cùng với kỷ luật; tiêu chí thi đua, khen thưởng phải được lượng hóa cụ thể để dễ dàng loại bỏ được vấn đề thành tích “rởm”, thương mại hóa trong công tác thi đua, khen thưởng; thành tích được khen thưởng phải là kết quả của cả một quá trình rèn luyện công phu, lâu dài và gian khổ.
Ông Nguyễn Lam khẳng định: “Công tác thi đua khen thưởng cần được đổi mới để trở thành một công cụ hữu hiệu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua, hình thức thi đua”.