Hiệu quả của phát triển thủy sản trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Cẩm Khê

 2311 lượt xem
Huyện Cẩm Khê nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ. Với địa hình bán sơn địa, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, miền đất hiền hòa này được hình thành bởi hai vùng khá rõ rệt: vùng đồi núi và ven sông. 

 Thời gian gần đây, nghề nuôi thủy sản ở huyện Cẩm Khê không ngừng được mở rộng và đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng dần về chăn nuôi, thủy sản. Đến nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. 

Xã Tuy Lộc với đặc thù địa dư vùng bán sơn địa, có nhiều diện tích ruộng chiêm trũng không thuận lợi gieo trồng nên nhân dân đã chuyển sang nuôi cá. Trước đây các hộ làm ao nuôi quy mô nhỏ, theo cách tự cung tự cấp chủ yếu giải quyết thực phẩm, mãi gần đây khi huyện, tỉnh có nghị quyết đưa thủy sản thành chương  trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, bà con đã vận dụng chuyển nhiều diện tích sang chuyên nuôi, thả cá theo quy mô lớn. Qua dồn đổi, quy hoạch, hiện nay xã đã có trên 500 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích nuôi trên 30ha. Khác với nhiều địa phương có phong trào chăn nuôi thủy sản, nghề nuôi cá ở Tuy Lộc phát triển đa dạng gồm nuôi cá giống, cá thịt, cá cảnh; lại kết hợp cả sản xuất với buôn bán cá các loại. Nhiều hộ gia đình đã quy hoạch hệ thống ao nuôi cá giống, từ gây nuôi cá bột thành cá hương, lên cá giống các loại, ao chuyên nuôi cá thịt, cá cảnh. Trong sản xuất cá giống, ngoài các loại cá truyền thống phục vụ nuôi thương phẩm như trắm, chép, trôi mè, nhiều hộ còn nuôi các loại cá đặc sản như rô phi đơn tính, cá lăng chấm và cá chép đỏ là loại cá gần như chỉ có ở Tuy Lộc. Không chỉ buôn bán cá thịt, cá cảnh, Tuy Lộc còn hình thành chợ chuyên bán cá giống. Nguồn cá giống một phần sản xuất tại chỗ còn là cất từ nơi khác về, chủ yếu lấy hàng qua Chi cục Thủy sản, từ các trại giống trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Người chăn nuôi trong xã và khu vực lân cận có thể tìm mua được các loại cá giống phục vụ yêu cầu sản xuất thuận lợi. Đi cùng với sản xuất, lưu thông trong địa bàn xã cũng hình thành các dịch vụ cung cấp thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh cho cá, ngư cụ làm nghề và buôn bán cá khá hoàn thiện. Do đó mà nhiều năm nay ngành thủy sản ở Tuy Lộc đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương.
  Trao đổi về định hướng phát triển lĩnh vực thủy sản của xã, Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Sanh cho biết: “Để thủy sản thực sự là một nghề có thế mạnh ở địa phương, thời gian tới xã sẽ tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện để các hộ duy trì và phát triển nghề chăn nuôi và dịch vụ thủy sản. Ngoài việc chú trọng phát triển nghề theo lối truyền thống, xã sẽ chú trọng vận động các hộ đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản xuất. Cùng với đó xã tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực nuôi, quy hoạch lại đồng ruộng đảm bảo phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả”.
Xã Văn Khúc cũng là xã có diện tích nuôi thủy sản tương đối lớn của huyện Cẩm Khê. Toàn xã có trên 130ha nuôi cá truyền thống và trên 20ha nuôi tôm càng xanh. Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 của xã là 415 tấn. Ông Hà Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Văn Khúc là xã có diện tích đồng chiêm trũng lớn nhất của huyện. Xã quy hoạch vùng đất trũng, chỉ sản xuất được một vụ lúa, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng một lúa một cá, đồng thời phát triển các mô hình nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả đó, nơi nào có nguồn sinh thuỷ bà con lại tận dụng nuôi cá, nuôi tôm, nuôi cá xen với lúa. Điều phấn khởi là những diện tích trước đây bỏ hoang hóa hoặc kém hiệu quả, nhà nông đã và đang làm giàu trên mặt nước”.
Từ việc chú trọng nuôi trồng thủy sản trên những vùng đất lúa kém hiệu quả, số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều và số hộ làm giàu từ nuôi thủy sản ở Cẩm Khê cũng đã tăng cao. Từ những mô hình nuôi cá truyền thống đến những mô hình nuôi cá đặc sản, với phương thức chăn nuôi quy mô lớn, có đầu tư bài bản và hướng an toàn dịch bệnh ngày càng phổ biến tại địa phương.
 
  Mô hình nuôi thủy sản của anh Nguyễn Hữu Chính ở xã Phương Xá mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng
 
Đến nay, toàn huyện Cẩm Khê đã có trên 1.790ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 1.000ha; diện tích một vụ lúa, một vụ cá là 785ha; sản lượng thủy sản năm 2016 đạt trên 6.600 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi là 6.350 tấn. Cùng với các giống thủy sản truyền thống, năm 2016 tôm càng xanh được đưa vào sản xuất tại hai xã Văn Khúc, Chương Xá với diện tích trên 25ha, bước đầu cho hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: “Đây là thành quả từ chủ trương chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản của Cẩm Khê thời gian qua. Huyện có nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa. Huyện hỗ trợ giá giống cho các hộ có diện tích nuôi thủy sản liền vùng, liền thửa đảm bảo diện tích và mật độ nuôi theo quy định. Qua đó đã góp phần thay đổi tập quán nuôi thủy sản của người dân từ hình thức nuôi thức ăn tận dụng, đầu tư thấp sang nuôi thâm canh, bán thâm canh. Trong giai đoạn 2016 - 2020 huyện sẽ hỗ trợ người nông dân nuôi thâm canh thủy sản và bán thâm canh ở cánh đồng chiêm trũng, hỗ trợ nuôi tôm càng xanh với diện tích liền vùng, liền thửa, chủng loại giống theo quy định”.
Tuy nhiên, trong phát triển thủy sản của Cẩm Khê vẫn còn những hạn chế như một số xã chưa thực sự chú trọng tới đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Mật độ nuôi các loại giống thả còn chưa hợp lý, phần lớn là nuôi theo kinh nghiệm.Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư trực tiếp vào chăn nuôi hoặc liên kết với nông dân để tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Sản xuất thủy sản thường xuyên chịu tác động bởi điều kiện thời tiết bất lợi như mưa lũ, hạn hán và dịch bệnh, gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi thủy sản. Cơ sở hạ tầng trong nuôi thủy sản còn thiếu đồng bộ chưa đáp ứng với yêu cầu…
Để sản xuất thủy sản ở Cẩm Khê thực sự trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, huyện cần có những chính sách hỗ trợ, phát triển thủy sản. Trong đó chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các dự án đã và đang triển khai; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thuỷ sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao. Tích cực triển khai lập các dự án, chương trình hỗ trợ để thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư từ trung ương, tỉnh, huyện, các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
  Với những giải pháp trên, mong rằng thời gian tới thủy sản Cẩm Khê sẽ phát triển bền vững, để từ đó đời sống của nhân dân được nâng lên, thuận lợi cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Khê./.
Mai Hoàng
 
 
 
Ý kiến của bạn