Sau khi thực hiện thành công Đề án OCOP “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013 - 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về việc phê duyệt Đề án giai đoạn 2017 -2020. Theo đó, chương trình OCOP giai đoạn 2 được xác định là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đô thị của Quảng Ninh trong tiến trình thực hiện xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ – công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Qua 3 năm triển khai chương trình OCOP, kết quả quan trọng của chương trình không chỉ là giá trị đo đếm bằng con số mà còn là việc thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất hàng hoá và tổ chức dịch vụ, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng miền. Chương trình cũng đã lôi cuốn được nhiều nhóm cá nhân, tổ chức kinh tế như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia. Hệ thống xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cũng đã cơ bản hoàn thiện gồm các trung tâm, điểm bán hàng ở Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hải Hà, Bình Liêu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng tham gia các cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước; tổ chức sự kiện hội chợ OCOP thường niên 2 lần/năm vào mùa xuân và mùa hè. Riêng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V năm 2017 dự kiến tổ chức khai mạc vào ngày 1/9 tới đây tại TP Hạ Long sẽ có quy mô 220 gian hàng. Bao gồm, khu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP trong tỉnh với 100 gian hàng; khu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc sản của các thành phố trong nước 80 gian hàng; khu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của các nước Nhật Bản, Thái Lan, Israel, Hàn Quốc từ 30 đến 40 gian hàng.
Nhờ những giải pháp đồng bộ trên, sản phẩm nông sản truyền thống của các địa phương trên địa bàn tỉnh được thương mại hoá tăng nhanh theo thời gian. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ có 48 sản phẩm thì đến năm 2015 đã tăng lên 120 sản phẩm, tương đối hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, phần lớn các sản phẩm đã có mã vạch theo quy định. Tính đến nay, số lượng sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đã lên tới 210 sản phẩm, trong đó 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.
Quảng Ninh là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp không lớn, giá trị của lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, với 50% người dân sống ở vùng nông thôn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định: “Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM là một trong những giải pháp quan trọng, tạo nền tảng phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. OCOP chính là chương trình phát triển kinh tế quan trọng để thực hiện chủ trương này. Trong giai đoạn 2017-2020, chủ thể trực tiếp thực hiện và thụ hưởng của chương trình OCOP vẫn là người nông dân; đầu tư của doanh nghiệp là động lực; Nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ thông qua xây dựng và chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất để đưa cơ chế, chính sách vào thực hiện.
Trên cơ sở khai thác thế mạnh của nông nghiệp Quảng Ninh là thuỷ sản, lâm sản và dược liệu, gắn với chương trình OCOP giai đoạn 2, toàn tỉnh sẽ tiếp tục hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để hướng tới sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai dồn điền, đổi thửa nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung. Điển hình như tại TX Đông Triều, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, các địa phương trên địa bàn thị xã đã đăng ký xây dựng 36 vùng sản xuất cánh đồng mẫu gồm 33 vùng trồng trọt, 3 vùng nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích trên 845ha/5.000 hộ dân tham gia. Tính đến nay đã có 13 xã, phường thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 274ha. Đây là tiền đề để áp dụng đồng bộ cơ giới hoá, khoa học kỹ thuật và kiểm soát việc sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cũng từ định hướng này, hiện trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án nông nghiệp quy mô lớn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tăng cường liên kết 4 Nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha canh tác, nâng cao đời sống của người nông dân.
Hoài Thanh