Thanh long ruột đỏ là loại cây ăn trái có giá trị xuất khẩu, năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đang có nhu cầu rất lớn ở thị trường trong và ngoài nước.
Thanh long ruột đỏ vị ngon, màu sắc đẹp nên được thị trường ưa chuộng. Thanh long ruột đỏ đã và đang phát huy lợi thế và cho hiệu quả kinh tế cao tại gia đình Ông Phạm Văn Nhẫn ở khu 5, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Ông Nhẫn là người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại đất Phú Lạc. Ông cho biết, so với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ có trái tuy nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt hơn, vị ngọt đậm, ngon hơn thanh long ruột trắng nên được nhiều người ưa dùng. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long đang đến vụ thu hoạch của gia đình, ông Nhẫn vừa chia sẻ: “Sau 2 năm vất vả tìm hiểu kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước tưới của gia đình rất thuận lợi cho trồng thanh long ruột đỏ, tôi đã quyết tâm đưa cây thanh long về trồng tại gia đình. Khi đó, việc trồng cây thanh long còn khá lạ lẫm đối với người dân trong xã tôi, kể cả thói quen của người dân khi dùng loại quả này cũng rất hạn chế". Đến nay gia đình ông đã có vườn thanh long ruột đỏ với số lượng gần 200 gốc cho thu hoạch ổn định.
Vợ chồng ông Phạm Văn Nhẫn bên vườn thanh long của gia đình
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông Nhẫn cho biết, thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh. Trên mảnh đất gần 3 sào tôi trồng được gần 200 gốc thanh long. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu là 12 tháng; Ông Nhẫn cho biết thêm: “Trung bình mỗi năm 1 gốc thanh long cho khoảng 30kg quả, với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, trừ chi phí 1 gốc thanh long cho thu lãi 5 - 7 triệu đồng. Tính ra, kết thúc vụ thu hoạch năm 2016, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nhẫn có thu nhập gần 100 triệu đồng từ cây trồng này.
Thực tế cho thấy, so với những cây trồng khác, trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là cây trồng lâu năm, khoảng 20 - 25 năm sau mới phải trồng lại. Đặc biệt, sau khi trồng một năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trên năm. Từ năm thứ 2 trở đi năng suất quả cao gấp đôi năm thứ nhất. Tuy nhiên cần tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật từ khi trồng, chăm sóc bón phân phải tập trung để đạt năng suất và chất lượng quả cao nhất.
Thanh long ruột đỏ góp phần bổ sung giống cây trồng mới vào cơ cấu cây ăn quả của huyện. Với hiệu quả kinh tế mang lại, thanh long ruột đỏ chứng tỏ là loại cây ăn quả phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện. Hy vọng rằng, với quyết tâm thoát nghèo, không ngại khó, ngại khổ và hơn hết là dám đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông ngày càng phát triển, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn huyện./.
Thanh Mai