BTĐKT – Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người bác sĩ y đức, tận tâm Nguyễn Minh Giao nguyên Bí thư Chi bộ số 5, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội là một tấm gương như thế, không chỉ làm lan tỏa những giá trị cuộc sống văn hóa tốt đẹp đến gia đình, xóm giềng mà cả cộng đồng xã hội.
Năm nay đã chạm đến tuổi 70, nhưng hễ nghe được ở đâu đó dù Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An hay Phú Thọ, Yên Bái có người còn đói ăn, không có điều kiện đón Tết, phải nghỉ học đến trường vì quá nghèo…. ông Nguyễn Minh Giao, lại sốt sắng, lo lắng, tìm cách đến tận nơi hỗ trợ họ ít gạo, hay vài chục chiếc bánh chưng ăn Tết, hoặc nếu xa quá thì nhờ bưu điện chuyển đến họ chút tiền giúp các cháu học sinh mua sách vở đến trường.
Chẳng cầu người ta báo đáp hay cảm ơn, cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu người, chỉ biết rằng mỗi một lần đến với họ, ông được nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt, lộ rõ trên khuôn mặt họ. Với ông, đó chính là liều thuốc bổ quý giá nhất giúp ông sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc suốt mấy chục năm nay.
Lo Tết cho người dưng
28 Tết năm 2010, khi xem báo, biết tin đồng bào Dao ở thôn Bến Thân, xã Đông Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bị mất mùa. Gần Tết mà người dân phải vào rừng đào củ mài ăn thay cơm. Rất thương cảm, ông Giao tự nhủ “phải nhanh chóng giúp đỡ để bà con có gạo ăn Tết, không để mọi người bị đói”. Chưa biết huyện Tân Sơn chỗ nào, đường đi lối lại ra sao, nhưng cứ như mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc ông bằng mọi cách, nhất định phải mang Tết đến cho đồng bào.
Ông lên mạng tìm ra số điện thoại của xã Đông Sơn, rồi xin trao đổi với Bí thư xã, đề nghị thống kê giúp số hộ đói, không có gạo ăn để hỗ trợ. Dù lúc đó đã cận kề Tết, cháu nội lại bị sốt, thuê xe rất khó, nhưng ông nghĩ dù khó mấy cũng không để hộ nào đói, không có gạo ăn Tết. Ngay lập tức, ông mua gạo về rồi huy động mọi người trong gia đình, hàng xóm mỗi người một tay đóng thành 41 gói gạo, tương ứng với 41 hộ đói trong danh sách anh Bí thư xã tổng hợp; sau đó nhờ bạn bè tìm thuê xe lên Phú Thọ. Trời mưa rét, đường trơn, lại là lần đầu đến vùng đất này, tên đường chẳng có, hai bên toàn đồi núi và cây rừng, hỏi thăm mãi xe của ông cũng đến nơi. Vất vả, mệt nhọc, bùn đất lấm lem nhưng khi tới nơi trao tận tay những suất quà cho các hộ đói, mỗi hộ 5kg gạo và một túi quà Tết gồm bánh kẹo, mỳ chính, ông cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Hai vợ chồng ông bà Nguyễn Minh Giao, Trần Minh Kỳ
13 năm nay (2004 – 2017), năm nào gia đình ông Giao cũng nhận đỡ đầu 10 trẻ mồ côi. Mỗi cháu 1,2tr/năm. Tết đến xuân về, gia đình ông lại chuẩn bị quà cho các cháu, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Ông bảo, năm nay gia đình tôi hỗ trợ 12 cháu vì bên Hội Phụ nữ họ phát hiện thêm hai trường hợp rất đáng thương khác nữa. Mới lại, có thêm con trai, con dâu góp sức nên có thêm nguồn lực để hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Năm 2016, trong Tổ dân phố số 8 có trường hợp gia đình cụ Sâm (85 tuổi), có vợ (84 tuổi) bị liệt, không may bị cơn bão đầu mùa hè làm tốc mái nhà. Với vai trò là Bí thư chi bộ, lại là hang xóm láng giềng, ông đã nhanh chóng đến thăm hỏi, động viên và tiên phong giúp đỡ gia đình cụ 1 triệu đồng; đồng thời kêu gọi mọi người phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách. Tấm lòng thơm thảo của gia đình ông Giao đã làm lay động trái tim của nhiều người. Bà Đặng Thị Trinh Nữ, đảng viên 50 tuổi đảng đã giúp đỡ gia đình cụ 2 triệu. Mọi người trong khu dân cư, mỗi người một tay, xúm lại giúp cụ Sâm dựng lại mái nhà chỉ trong vòng 5 ngày.
Còn sức, còn làm việc thiện
Ông Nguyễn Chiếm Sơn, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học số 5, Bí thư Chi bộ số 5, phường Dịch Vọng Hậu chia sẻ: Mọi người ở đây gọi ông ấy là người thầy thuốc của nhân dân. Vốn là bác sĩ chuyên khoa tim mạch - bệnh viện Bạch Mai về hưu, với cái tâm “lương y như từ mẫu”, ông luôn tận tâm cứu chữa, giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi bệnh tật kịp thời. Để giúp mọi người hiểu cách phòng chống bệnh tim mạch, huyết áp, ông thành lập Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe miễn phí sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Câu lạc bộ ấy duy trì từ năm 2004 đến nay. 60 thành viên trong câu lạc bộ đã được trang bị đầy đủ kiến thức và có thể tư vấn cho nhiều người bệnh khác.
Từ ngày về hưu, ông Giao luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Công to, việc nhỏ của phường, của khu ông đều có mặt. Những năm trước, khi còn làm Bí thư chi bộ 5, ông là trung tâm đoàn kết, tích cực đổi mới các hoạt động của Chi bộ nhằm tạo điều kiện cho đảng viên và nhân dân. Người ta nói, ở thành phố, đèn nhà ai nhà đó rạng, nhưng khu dân cư ông sống luôn sôi động; các gia đình sống đoàn kết, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, thắm đẫm tình làng nghĩa xóm. Bản thân và gia đình ông luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, sống khiêm nhường, mẫu mực và đầy tình thương yêu. Gia đình ông năm nào cũng đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” và 13 năm liên tục đạt danh hiệu “Gia đình chữ thập đỏ”. Người trong nhà, ngoài ngõ, xóm trên, xóm dưới ai nấy đều kính trọng và nể phục gia đình bác sĩ Nguyễn Minh Giao.
Có thể nói ông Giao là nòng cốt để phát triển các phong trào thi đua trong quần chúng. Với sự nhiệt tình, tích cực của ông, nhiều năm nay, các phong trào khuyến học, phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao, thiếu niên nhi đồng của khu dân cư luôn đứng tốp đầu.
Bà Trần Minh Kỳ, vợ của ông Giao tự hào chia sẻ: Ông ấy là người ban hành “nghị quyết” cho cả nhà. Mỗi việc ông làm có giá trị giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho con cháu trong gia đình. Việc giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội đã trở thành việc làm thường xuyên, thấm sâu vào tim của mỗi thành viên trong gia đình ông.
Học theo bố, nhiều năm nay, người con trai cả của ông là Nguyễn Minh Long đã cùng mẹ và vợ đồ xôi, mua giò chả, tham gia làm bánh chưng, đóng thành từng gói quà để trao tặng cho những người lỡ đường, không nhà, không cửa phải đón Tết ngoài đường. Qua các trang thông tin đại chúng, biết ai hoạn nạn khó khăn thì gửi tiền biếu qua đường bưu điện theo địa chỉ mà báo chí đăng tải. Con trai thứ hai của ông là Nguyễn Minh Thanh, cố gắng học rất giỏi, đã dành tất cả tiền thưởng nhờ đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi tiếng Pháp cấp thành phố để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn khác ở trường…
Cuộc đời của bác sĩ Nguyễn Minh Giao đúng như câu nói “Trồng bí được bí, trồng đậu được đậu, nếu gieo trồng thiện nhân thì sau này ắt được phước quả”. “Sống đến tuổi này tôi thấy tôi là người hạnh phúc vì tôi được sẻ chia hạnh phúc với rất nhiều người. Tôi nhẹ nhõm và tự hào bởi những đứa con, đứa cháu của tôi đang lớn lên từng ngày, biết sống tốt, hướng thiện và là những người thực sự có ích trong xã hội.” - Ông Giao cười hiền.
Nhiều người thường hỏi: ông bà làm gì mà nhiều tiền thế, năm nào cũng từ thiện, hỗ trợ người nghèo? Nhưng có lẽ khi đặt chân đến nhà ông, mới thấu hết. Ngôi nhà đơn sơ, giản dị, khiêm nhường lùi vào mặt đường chừng 2m đất nhằm tạo cho ngõ chung một không gian thoáng đãng khiến cho người ta phần nào hiểu được lối sống bao dung, vì cộng đồng của gia đình ông. “Thôi thì sức mình đến đâu, giúp mọi người đến đó, chứ đợi đến lúc giàu hay có điều kiện mới giúp đỡ họ thì chắc lâu lắm” ông bà Giao Kỳ vô tư chia sẻ. Vì thế, bao nhiêu năm nay, dù đã ở cái tuổi được nghỉ ngơi, nhưng hàng ngày, mỗi buổi sáng bác sĩ Giao vẫn chăm chỉ đến làm việc, khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Thanh Chân – đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ông nghĩ, đi làm để mình có thể giúp nhiều người chữa khỏi bệnh; vừa có thêm nguồn thu nhập để giúp đỡ những người kém may mắn. “Còn sức, mình còn lao động.”
Bà Kỳ, vợ của ông năm nay cũng đã 68 tuổi nhưng vẫn hàng ngày chợ búa, cơm nước, chăm sóc cả gia đình. Bà bảo, tiết kiệm tiền thuê người giúp việc, mình vừa làm việc rèn luyện sức khỏe, vừa tiết kiệm được chi phí để làm nhiều việc thiện ý nghĩa khác.
Ngôi nhà của gia đình ông nằm trong ngõ 32, phố Phan Văn Trường dù đã lâu không sơn mới nhưng vẫn tỏa ra một mùi thơm, vẻ sáng đẹp bởi ở đó có những trái tim nhân hậu, tỏa hương và ánh sáng diệu kỳ.
Mai Hoàng