Cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”

 4622 lượt xem
BTĐKT - Cuộc chiến đấu khốc liệt năm 1968 tại mặt trận 7 Thừa Thiên Huế đã lấy đi của ông 1 cánh tay. Sau chiến tranh, trở về địa phương với cơ thể không lành lặn, nhưng bằng sự sáng tạo, mạnh dạn và nghị lực, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Đức (77 tuổi), Tổ dân phố Hạ 11 - Phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã chỉ huy đại gia đình tăng gia sản xuất, thoát khỏi đói nghèo và trở thành hộ gia đình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. 

 Năm 1972, rời quân ngũ, ông Đức trở về đoàn tụ với gia đình trong niềm vui khôn xiết của vợ con, anh em và bạn bè . Nhưng, đó cũng là lúc trong thâm tâm ông dấy lên bao trăn trở bởi phải chứng kiến cảnh người vợ một mình tảo tần sớm hôm làm lụng, tích cóp, chạy ăn từng bữa cho 9 khẩu trong nhà. Trong khi đó, bản thân chỉ còn lại 1 cánh tay, liệu ông có giúp đỡ được cho gia đình hay lại trở thành gánh nặng cho chính họ? 

Nghĩ thế rồi ông càng quyết tâm hơn. Ông bắt đầu cuộc sống với một cánh tay còn lại của mình bằng việc tập cầm đũa ăn cơm, tập viết, tập cầm chổi… cho đến khi quen việc ông lại tiếp tục lao động trồng trọt, chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Gái, vợ của ông Đức còn nhớ như in những tâm sự đầy ý chí và nguồn động viên của chồng: Việc nước – khó thế tôi còn hoàn thành được thì những việc cá nhân, việc gia đình tôi chẳng nề hà. Tôi là người lính “Tàn nhưng không phế”. Chắc chắn tôi sẽ là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cả nhà.
 “Ngày đó, gia đình 9 khẩu ăn nên cả nhà ai cũng phải lao động. Dù chỉ có 1 tay nhưng không có việc gì ông ấy không làm: chăn vịt, đánh bắt cá, thậm chí những ngày nắng hạn, hoa màu thiếu nước, tôi với ông ấy tát nước từ sáng đến tối” bà Gái xúc động.
Nhìn bố một tay làm đủ thứ việc, 6 người con của ông Đức  cũng tự giác lao động để phụ giúp bố mẹ. Đứa lớn thì cuốc đất, trồng cây; đứa nhỏ thì hái rau, nuôi lợn; nhỏ hơn nữa thì nhặt hành đi bán. Cuộc sống tuy rất vất vả nhưng gia đình ông luôn thương yêu, đùm bọc nhau, chưa bao giờ biết vay ai một đồng, tất cả đều tự lực cánh sinh.
Nhưng dù cả nhà có làm ngày, làm đêm thì kinh tế của gia đình ông chỉ đủ ăn. Với vai trò là người trụ cột trong gia đình,  ông Đức nghĩ cần phải tìm hướng phát triển kinh tế mới, tạo cơ hội cho còn cái bắt kịp với xã hội.
 
Ông Đức  đang hướng dẫn con trai xếp hoa đi tiêu thụ
 
Qua gặp gỡ, trao đổi với một số đồng đội ông được biết đến mô hình trồng hoa ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Để hiểu sâu hơn, ông chủ động đi tìm hiểu thì thấy người dân ở đây họ trồng rất nhiều hoa mà vẫn bán được, trong khi thu nhập lại ổn định. Ông bàn với vợ con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây hoa hồng. 
Ông kể: Ngày đó, toàn bộ gia sản mà hai vợ chồng tích cóp được là 10 triệu đồng nên bà Gái còn lăn tăn lắm, còn bảo “ông tính toán cho kỹ, nếu không, bày việc ra mà không thành là chết đói cả nhà”.Tôi cũng lo lắm bởi mồ hôi, công sức của cả nhà bao nhiêu năm giờ đây mang ra để đánh cược. 
Lúc đó, với ông mà nói, làm kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no tiếp tục là mặt trận mới. Tuy chẳng còn tiếng bom nổ, súng gầm nhưng đó là mặt trận không kém phần cam go. 
Năm 1995, ông quyết định đầu tư 10 triệu trồng 5 sào hoa hồng. Dù biết rằng trồng hoa khó hơn rất nhiều so với trồng hoa màu và củ quả nhưng ông luôn động viên vợ con vừa làm, vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Kết quả, mô hình trồng hoa hồng của gia đình ông đã thu lãi 50 triệu đồng ngay năm đầu tiên, tất cả các con ông lại có công ăn việc làm ổn định. 
Thành công ban đầu đã giúp ông có thêm niềm tin, động lực để dần mở rộng diện tích trồng hoa. Nếu như những năm đầu, gia đình ông chỉ trồng 1 số loại hoa như hoa hồng, hoa cúc vàng; đến năm 2008, ông đã đầu tư trồng thêm các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: hoa Ly, Loa kèn… đem lại nguồn thu nhập cao. Thấm thoắt, đến nay , gia đình ông đã có 20 năm kinh nghiệm làm hoa, với diện tích canh tác năm 2016 lên tới gần 2ha, cho tổng thu nhập gần 2 tỉ đồng/năm. Mô hình trồng hoa của ông còn giúp tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; trở thành mô hình điểm được thành phố Hà Nội lựa chọn tham quan và học tập kinh nghiệm nhiều năm liền.
Chia sẻ về thành công của mình, ông Đức bảo: Làm hoa rất khó, rất cần sự kiên trì, chăm chỉ tích lũy kinh nghiệm và tính toán cho hợp lý. Cũng phải nhạy bén nữa, những giống hoa mới, kỹ thuật mới phải thường xuyên cập nhật và áp dụng. Đặc biệt, đầu tư mới phải tính toán, ước lượng được phần thắng.
Nhớ về lần đầu tiên được mùa hoa Tết,  con trai út của ông không giấu nổi xúc động: Đó là năm 2009. Năm ấy, khi người dân trong làng chỉ trồng quy mô vài trăm củ hoa ly thì  bố con tôi đã đầu tư 3 vạn củ hoa ly. Bố bảo: phải làm sao để hoa nở đúng vào dịp Tết thì mới lời cao. Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi bàn với bố ứng dụng công nghệ thắp bóng đèn cho hoa. Năm ấy, toàn bộ diện tích trồng hoa nhà tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng.  “Cầm 600 triệu tiền lãi từ bán hoa, tôi đã khóc vì đó là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm số tiền lớn đến như vậy” – anh nói.
Ông Đức tự hào khoe: mới năm 2016, khi cả làng hoa Tây Tựu lâm vào cảnh khốn đốn do trời nắng, khiến hoa Tết nở sớm. Tuy nhiên do có kinh nghiệm nhiều năm, ông khuyên các con nên chia củ giống thành nhiều đợt, trồng theo kiểu gối vụ. Nên ½ diện tích hoa của gia đình ông vẫn nở vào đúng dịp Tết, cho thu nhập rất cao. 
Hôm nay, khi đặt chân đến làng hoa Tây Tựu hỏi về gia đình CCB Nguyễn Khắc Đức không ai là không biết.  Gia đình ông là địa điểm cung ứng giống hoa ly, hoa hồng cho nhiều hộ dân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Lấy bố làm chỗ dựa, các con của ông đều đã tự đứng lên, thành công nhờ trồng và tiêu thụ hoa. Điều đáng nói là, dù trao cho các con quyền tự chủ nhưng ông luôn là người chỉ huy, cầu nối để họ đoàn kết, dìu nhau làm ăn. Không chỉ 1 mà 6 người con của ông đều là những hộ làm giàu tiêu biểu nhờ trồng hoa.
Thương binh Nguyễn Khắc Đức chính là hình ảnh tiêu biểu trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”.
Hoàng Lan
 
 
Ý kiến của bạn