Người “canh giấc” cho các liệt sỹ

 4361 lượt xem
BTĐKT - Hơn 30 năm nay, không kể trời mưa rét, bão bùng hay nắng nóng, oi ả, ông Nguyễn Khánh Toàn 85 tuổi vẫn hàng ngày cần mẫn chăm sóc và hương khói cho hơn 200 phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Người ta vẫn gọi ông với cái tên “người canh giấc” cho các liệt sĩ. 

 Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 7 năm 1967 chàng trai trẻ Nguyễn Khánh Toàn làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để góp sức mình bảo vệ quê hương, đất nước. Được phân vào Q 16, trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, chàng trai trẻ luôn dũng cảm, đương đầu với kẻ thù  trên mọi trận chiến, từ tấn công chiếm sân bay Tân Sân Nhất  đến đánh trận Lộc Châu, Trảng Bàng bảo vệ từng tấc đất, giữ an toàn cho các đơn vị chủ chốt. Bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy chàng trai đó đã từng trải hết, thậm chí cả tính mạng của bản thân cũng suýt bị lấy đi.

 
Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn (ngoài cùng bên phải)chia sẻ  tại Giao lưu biểu dương tập thể, cá nhân cựu chiến binh, thương binh gương mẫu tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2017.
 
Nhớ lại những năm tháng đó, ông Toàn kể: trong trận chiến đánh anh cả đỏ của Mỹ (1968), ông bị thương nặng, tưởng chừng không qua khỏi, sắc cốt của ông đã nhờ đồng đội giữ hộ để báo tin về nhà. Nhưng chính nghị lực của bản thân và tình nghĩa đùm bọc của đồng đội, ông đã được cứu sống dù mang trong mình 62 % thương tật. Với ông, được sống được chứng kiến đất nước hòa bình, được hội tụ với gia đình, quê hương là may mắn hơn rất nhiều so với các đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường.
Do đó, năm 1985, khi trở về địa phương, do tuổi cao, sức yếu, được UBND huyện Phú Xuyên đề cử làm quản trang cho nghĩa trang liệt sĩ thị trấn huyện, không có lương cũng chẳng có danh vọng gì, thế nhưng ông Toàn đã nhận lời và tình nguyện chăm sóc cho những ngôi mộ liệt sĩ từ đó.
 Ông bảo: Tôi nhận làm quản trang bởi trong tôi luôn nhớ thương các đồng đội;  mong muốn trả ơn cho những người cô, người mẹ, người anh, người bạn đã đồng cam cộng khổ với tôi những năm tháng chiến tranh ác liệt. Mẹ đẻ của tôi cũng từng là tình báo, đã mất và nằm lại ở Campuchia. Đất nước đã hòa bình, nhưng tôi không có điều kiện để đi đến tận miền Nam để tri ân, chăm sóc  họ. Do vậy, đây là việc duy nhất tôi có thể làm, nhờ các liệt sỹ ở nghĩa trang quê nhà thay tôi chăm sóc mẹ, thay tôi gửi đến lời cảm ơn với những đồng đội năm xưa. 
 
Cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn
 
Trở về cuộc sống đời thường với 62% thương tật, những nỗi đau về thể xác luôn hành hạ ông mỗi khi trái gió, trở trời. Hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó. Nhưng nén lại mọi đau đớn về thể xác và sự khắc nghiệt của xã hội, ông làm những việc theo lương tâm ông cho là đúng.
Hàng ngày ông  đều đặn mang chổi ra quét dọn hơn 1ha đất nghĩa trang, lau chùi từng nấm mộ liệt sỹ. Vào các ngày đầu tuần, mùng một, ngày rằm và các dịp lễ, Tết, ông đi khắp 200 ngôi mộ để thắp từng nén nhang. “30 năm nay, dù nghèo, dù không có một đồng lương nhưng tôi chưa bao giờ để đồng đội của mình phải lạnh lẽo, không có một nến nhang.” Ông Toàn chia sẻ.
Ông tự bỏ tiền túi ra để thắp điện, mua hương nến, hoa, thay bát hương mới cho các liệt sĩ. Ông chia sẻ: “Ở đây có những liệt sĩ khuyết danh, không có người tới thăm nom, mình phải thay họ làm công việc này để an ủi linh hồn các liệt sĩ nơi chín suối”. Và có những ngày ở nghĩa trang, người ta thấy ông Toàn nhổ cả cụm sả to, nấu nước để lau rửa từng phần mộ của các liệt sĩ.
Giữa ông Toàn và những người liệt sĩ tại nghĩa trang này dường như có sự gắn kết đặc biệt, chính vì thế một ngày không ra nghĩa trang ông lại cảm thấy có lỗi. Ông nói: “Ngày nào không ra nghĩa trang là tôi không chịu nổi cảm thấy như mình có lỗi, mình may mắn được trở về, còn có gia đình có vợ con, anh em hy sinh là mất mát thiệt thòi, nên mình ra đây với anh em để động viên linh hồn họ”.
Với những việc làm hết sức ý nghĩa đó, năm 2015 ông Nguyễn Khánh Toàn được UBND TP tặng Bằng khen. Mới đây, ông là một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu tại chương trình Giao lưu biểu dương tập thể, cá nhân cựu chiến binh, thương binh gương mẫu tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" do Ban Thi đua -Khen thưởng thành phố,  Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì và phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội,  Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức.
Ngọc Anh
 
 
Ý kiến của bạn