Tỉnh Trà Vinh có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2016, Trà Vinh đã có 23/85 xã được công nhận hoàn thành toàn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2017 sẽ có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Có được kết quả đáng khích lệ này, là nhờ cách làm sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận cao của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
Xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là xã vùng sâu, có đông đồng bào Khmer sinh sống (hơn 93,57% dân số). Đây là vùng đất từng nghèo nhất tỉnh Trà Vinh. Sau hơn 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay diện mạo phum sóc Kim Sơn đã thay đổi, đời sống đồng bào dân tộc Khmer chuyển biến tích cực.
Những năm qua, trong phong trào xây dựng NTM, Hội Nông dân xã Kim Sơn luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, hội viên; tập trung vào những tiêu chí dễ làm, dễ thực hiện gắn liền với đời sống hằng ngày, phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều việc làm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Hiện Kim Sơn có 1.375 hội viên nông dân, đang sinh hoạt ở 9 Chi hội Nông dân. Trong đó, 100% chi hội, trên 80% hội viên đăng ký danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Ngô Som Niên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, những năm qua, hội viên nông dân tham gia các hoạt động xã hội, phát quang bụi rậm hai bên đường với tổng chiều dài hơn 10 km; có 100% gia đình xây dựng cột cờ đúng quy cách; vận động 412 hộ cặp hai bên đường chính lắp đèn đường thắp sáng, tạo vẽ mỹ quan, phòng, chống tội phạm; vận động hội viên hiến đất, hoa màu xây dựng trên 10 km chiều dài đê bao ngăn mặn, bê tông hóa đường nông thôn. “Riêng năm 2016, Hội đã vận động nhân dân, các mạnh thường quân mua đá rải đường giao thông nông thôn ở các ấp Bãi Xào Chót, Bãi Xào Dơi A, Trà Cú A, Trà Cú B, với trên 200m³ đá cho hơn 4.000m đường; tổng số tiền trên 190 triệu đồng, nhân dân địa phương đóng góp hơn 200 ngày công lao động. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm và bà con trong xã đóng góp làm 1 cây cầu giao thông tại ấp Bãi Xào Dơi B, có chiều dài 17m, với tổng kinh phí xây dựng trên 50 triệu đồng…”, ông Niên nói.
Tuyến đường bê tông giao thông nông thôn về ấp Trà Cú A, do Hội Nông dân vận động người dân hiến đất để xây dựng
Còn ông Kim Mạc Ly, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Bãi Xào Chót, phấn khởi nói: “Con đường này trước đây chỉ là lối mòn, khó đi. Hội Nông dân xã Kim Sơn chọn tuyến đường này của ấp xây dựng một công trình mang tên Hội, do người dân đóng góp gần 50 triệu đồng mua đá rải đường dài 1.050m. Khi làm đường, rất đông người dân tự nguyện chặt cây ăn trái, phát quang bụi rậm hai bên đường, vận chuyển đất đá…”.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Kim Sơn còn quan tâm vận động nhân dân tham gia các loại hình làm ăn hợp tác, liên kết sản xuất, từ đó góp phần nâng cao thu nhập kinh tế, đời sống người dân trong vùng đồng bào dân tộc không ngừng được nâng lên.
Tính đến nay, xã đã vận động thành lập được 1 hợp tác xã, 7 tổ kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả. Trong đó, có 1 tổ kinh tế hợp tác cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu (giá bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 90 triệu đồng/năm). Với mô hình sản xuất mía chất lượng cao, ứng dụng các biện pháp mới vào trồng mía giúp năng suất mía tăng từ 100 tấn/ha lên 150 tấn/ha. Nhờ vậy đời sống kinh tế của bà con Khmer vươn lên khấm khá.
Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình mía – tôm cho thu nhập khá
Kim Sơn còn nhân rộng phong trào tương trợ, giúp đỡ nhau với hình thức vận động hộ nhiều đất cho hộ không đất mượn để sản xuất; vận động người dân hiến đất thực hiện các công trình phúc lợi xã hội. Tiêu biểu trong các phong trào này phải kể đến các hộ bà Kim Thị Sâm Bô ở ấp Bảy Xào Giữa, hộ ông Kim Tiếng ở ấp Trà Cú A, hộ ông Thạch Sol ở ấp Bảy Xào A…
Nỗ lực của lãnh đạo xã Kim Sơn được ghi nhận khi đời sống kinh tế của người dân ngày càng khởi sắc. Bà Trầm Thị Sa Nên, Chủ tịch UBND xã cho biết, sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ nguồn vốn Chương trình dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng vùng bãi ngang ven biển và các nguồn vốn khác, Kim Sơn đã đầu tư trên 48 tỉ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn và các tuyến đê bao để chủ động nguồn nước trồng mía, làm rẫy, nuôi tôm. Trong đó, người dân tự nguyện hiến trên 15.000m2 đất và gần 2.000 ngày công và tiền mặt…
“Đến nay, Kim Sơn đạt 14 tiêu chí NTM, hộ nghèo giảm còn trên 14%, nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 86%; hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh chiếm trên 94%; có gần 97% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa. 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là bắt tay vào xây dựng NTM, được sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huyện, mới chuyển qua nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trồng mía giống mới, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa… Hiện xã có khá nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu/năm nhờ trồng mía và nuôi tôm”, bà Sa Nên nói.
Về Kim Sơn hôm nay, điều mà chúng tôi ghi nhận được là sự thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của vùng đất nơi này. Diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bà con người dân tộc Khmer đã đi vào cuộc sống, nâng cao niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước, bà con hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng phum sóc làng quê phát triển./.
Hải Nam