Phú Thọ: Hội Phụ nữ huyện Thanh Ba tích cực đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”

 5306 lượt xem
Thực tế khẳng định, phong trào “Dân vận khéo” đã có tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Thông qua “Dân vận khéo” đã làm cho mọi người dân nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế, “Dân vận khéo” còn làm cho người dân tự giác đầu tư công sức, tiền của, cải tạo nơi ăn chốn ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất thâm canh, nâng cao thu nhập; đồng thời phát huy được dân chủ ở cơ sở, nhân dân được bàn bạc, đóng góp ý kiến, tham gia thực hiện và giám sát các công việc của đảng, chính quyền, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ huyện Thanh Ba đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phát huy nội lực của tổ chức Hội, huy động sức dân trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Hội đã xây dựng, phát hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Từ nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của mô hình “Dân  vận khéo” là một trong những biện pháp thiết thực cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc tập hợp cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Hội. Hội LHPN huyện đã tích cực triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác dân vận; ban hành các kế hoạch, hướng dẫn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 
Để phong trào đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền được Hội chú trọng hàng đầu, dưới nhiều hình thức thiết thực thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ Hội, lồng ghép với các hội nghị giao ban, sinh hoạt Chi/tổ, sinh hoạt chuyên đề, qua hệ thống truyền thanh huyện, cơ sở,… từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực, hưởng ứng tham gia thực hiện phong trào. 
Cùng với đó, Hội đã làm tốt việc lựa chọn, đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương; chú trọng công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng, tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, mô hình hiệu quả trong “Dân vận khéo”. 
Đến nay, toàn huyện có 70 mô hình “Dân vận khéo” được triển khai duy trì hiệu quả, tập trung trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, giảm nghèo, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới,… Thông qua phong trào, nhiều điển hình “Dân vận khéo” được nhân rộng, có sức lan tỏa mạnh. Mỗi địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã có cách làm riêng, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
 
Đường giao thông liên thôn, liên xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba được bê tông hóa
 
Tiêu biểu trong phong trào "Dân vận khéo" của Hội phụ nữ huyện là các mô hình “Dân vận khéo” trong tham gia hiến đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới, đã thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình cộng cộng. Từ năm 2016 đến nay hội viên, phụ nữ đã tham gia hiến 10.000 m2 đất, ủng hộ gần 50 triệu đồng, đóng góp trên 500 ngày công lao động, dọn vệ sinh, xây tường rào, nạo vét cống rãnh, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thông qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Loan, hội viên Chi hội 1, xã Yên Nội, tự nguyện hiến 1.280m2 đất rừng và đất vườn;19 gia đình hội viên phụ nữ xã Đại An, tham gia hiến 3.352m2 đất vườn và đất thổ cư. Đặc biệt mô hình còn lan tỏa tới cả những gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ đơn thân,… mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng khi nhận thức được chủ trương đã tự nguyện hiến đất như gia đình chị Hoàng Thị Tài chi hội 7 xã Thanh Vân, gia đình chị Nguyễn Thị Lý chi hội 4 xã Ninh Dân, Chị Dương Thị Hà là phụ nữ đơn thân hộ nghèo tại khu 8 xã Đại An cũng tự nguyện hiến 150 m2 đất ruộng… Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường thúc đẩy về đích nông thôn mới, Hội đã xây dựng 155 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp. Gắn với mô hình “Dân vận khéo” đội ngũ cán bộ Hội đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tâm huyết, tích cực với phong trào, điển hình như chị Nguyễn Thị Hiên - Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Yển, vận động ủng hộ xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền vận động lên tới trên 30 triệu đồng; chị Lê Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Lỗ chỉ đạo xây dựng 54 đoạn đường phụ nữ tự quản được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hội Phụ nữ huyện chú trọng chỉ đạo các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, các cấp Hội đang duy trì 57 mô hình kinh tế, trong đó có 17 mô hình tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Điển hình như mô hình trồng trọt tổng hợp của chị Trần Thị Thêm, hội viên chi hội 4, Hội LHPN xã Khải Xuân. Với gần 1 ha trồng trên 400 gốc bưởi diễn, hơn 1 ha chè được đầu tư hệ thống tưới nước tự động, mô hình kinh tế tổng hợp, ước tính mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị Thêm có thu nhập trên 150 triệu đồng. Mô hình nuôi dê của gia đình chị Hoàng Thị Lan Ở khu 2, xã Hoàng Cương  cũng là một điển hình được nhiều chị em học tập. Tạo lối đi khác biệt từ cách làm truyền thống, chị Lan đấu thầu 1 ha đất ruộng bỏ hoang đầu tư trồng cỏ nuôi dê, duy trì trong chuồng khoảng 50 - 60 con dê, một năm cũng cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng....Không chỉ vậy, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong huyện đã tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Mô hình trang trại tổng hợp tại xã Khải Xuân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Những kết quả thiết thực mà phong trào thi đua "Dân vận khéo" của các cấp Hội phụ nữ huyện Thanh Ba đạt được trong thời gian qua, đã phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của cán bộ, hội viên, phụ nữ, tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.
Hoàng Mai
 
 
Ý kiến của bạn