Nửa đời người gắn bó với nghề quản trang

 2527 lượt xem
BTĐKT - Vượt qua những khó khăn, vất vả của cuộc sống cũng như những cơn đau do tuổi tác và thương tật chiến tranh hành hạ, hơn 30 năm nay người lính già Hoàng Ngọc Bàng đã lựa chọn gắn bó cuộc đời còn lại của mình với nghiệp chăm lo cho các phần mộ phần liệt sĩ tại nghĩa trang xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. 

Tôi được gặp ông tại nghĩa trang liệt sĩ xã Kim Nỗ trong đợt kỷ niệm 70 Ngày Thương binh, Liệt sĩ, khi mà trên khắp các vùng miền của cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tri ân những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, các gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Ông đang nhiệt tình hướng dẫn vị trí, tìm sơ đồ mộ, giúp thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. 

Trên nét mặt của người đàn ông với tấm lưng còng cùng chiếc mũ tai bèo bạc màu vì nắng mưa dường như đang rất vui. Ông bảo, trông coi ở đây nhiều năm rồi, ông không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đón tiếp các thân nhân liệt sĩ tới viếng thăm nghĩa trang. Có đoàn chỉ đi 1 - 2 người, đoàn đến 5 - 7 người. Nhưng lần nào thấy có người lui tới thắp hương cho các đồng đội của mình, trong lòng ông thấy vui và ấm cúng lắm. 
Ông vốn là lính Trung đoàn 250A quân khu Việt Bắc. Thời bấy giờ mới cắt về Hà Nội, lớp ông có 11 người vào chiến trường B. 10 năm “Vào sinh ra tử” trên chiến trường ác liệt Trảng Bàng (Tây Ninh), ông may mắn hơn nhiều đồng đội được sống trở về quê hương dù thương tật và chất độc da cam ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống - cướp đi quyền làm cha của ông. Nghĩ đến hậu quả do chiến tranh để lại cho ông, một phần do sức khỏe yếu nên xã đã ưu tiên bố trí cho người lính già một địa điểm bán nước để cải thiện cuộc sống. Nhưng rồi thấy mình không hợp với công việc này nên ông từ bỏ. Thấy nghĩa trang không người chăm sóc, lại nằm gần nhà, nghĩ đến “Món nợ” với đời nên ông đã tự nguyện chăm sóc, hương khói cho anh linh của các liệt sĩ được ấm áp, chờ ngày được người thân đón về quê nhà. 
 
Quản trang Hoàng Ngọc Bàng lúc còn sống
 
Lo lắng về sức khỏe và con người mình, ông nghĩ, cuộc sống thật tẻ nhạt, vô nghĩa nếu không có con. Sau bao đêm trằn trọc, để nước mắt rơi, vợ chồng ông quyết định đến bệnh viện Bà mẹ trẻ em xin con gái nuôi. “Đó là năm 1979, hồi ấy nghèo đói lắm, nhìn con ăn sắn, ăn khoai qua ngày, tôi thương con vô cùng. Nhiều lần như thế, tôi nghĩ mình phải xin nghỉ việc chăm sóc các anh để đi làm việc khác lấy tiền nuôi con. Nhưng mỗi lần ý nghĩ ấy trỗi dậy thì hình ảnh những người chiến sĩ, đồng đội cứ hiện về trước mắt. Nghĩ rằng đây là thời gian thích hợp nhất để tôi thực hiện ước nguyện bấy lâu từng ấp ủ. Vốn dĩ tôi được sống đến ngày hôm nay một phần là nhờ xương máu của đồng đội nên tôi muốn được tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc", ông Bàng chia sẻ trong nỗi xúc động.
Lúc này, bất chợt ngẩng đầu lên, chúng tôi bắt gặp ánh mắt buồn của ông chuyển dần sang màu hoe đỏ, người ông thỉnh thoảng lại khẽ run lên bần bật khi nhớ về những người chiến sĩ năm xưa… Lục tìm kí ức, người cựu chiến binh già vừa nâng niu, nhẹ nhàng lau từng ngôi mộ, vừa kể: “Trong khuôn viên nghĩa trang này, có một người em trai ruột và 4 đồng đội nhập ngũ cùng đợt với tôi, cũng đã từng ăn cùng ngủ cùng trong một chiến hào. Nhưng rồi lại bị tách ra, mỗi người một chiến trường cho đến khi hòa bình lập lại, tôi mới biết mọi người đã hy sinh. Đau lòng quá!”.
Ông Nguyễn Đức Thịnh (sinh năm 1962) ở xóm 2 Bắc, Kim Nỗ, Đông Anh là người bán nước gần khu nghĩa trang cho biết: Coi việc chăm sóc nghĩa trang như một “món nợ” với những người đồng đội, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, đều đặn tầm 5h sáng ông đã có mặt ở nghĩa trang để bắt đầu công việc. 
Cứ như vậy, những công việc không tên đã lôi cuốn vợ chồng ông suốt hơn 30 năm qua tại nghĩa trang này. Người dân quanh vùng đã quen với hình ảnh ông cụ già dáng người lom khom cẩn thận chăm chút cho từng ly hương, bát nước, bình hoa… trên bàn thờ các anh. 
Nhớ lại những ngày đầu mới tiếp nhận nghĩa trang liệt sĩ, ông bảo: Thời bấy giờ, khu vực nghĩa trang như là một khu đất hoang, cỏ mọc rậm rạp, um tùm, có nhiều rắn rết, tôi với bà nhà tôi sáng nào cũng xén cỏ, gánh gạch vỡ đổ đi, lấy bàn chải kì cọ từng lối đi bám rong rêu, rồi lau chùi, thắp nén nhang từng ngôi mộ… Xung quanh nghĩa trang còn chưa có nhà cửa, quán xá, đường đi vào cũng sình lầy. Nhưng sáng nào tôi cũng đạp xe từ nhà đến đây chăm sóc, hương khói cho các liệt sĩ đến 10h đêm mới về. 
Đã nhận chăm sóc, hương khói cho các anh hùng liệt sĩ thì chuyện riêng bao giờ cũng phải gác lại. Những ngày rằm, lễ lạt, ông đều có mặt tại nghĩa trang từ sớm để lau dọn, dâng hương hoa. Vào những ngày Tết, khi mọi người đã sum vầy bên gia đình thì ông lại túc trực thường xuyên ở đây đề bàn thờ các anh lúc nào cũng tỏa khói hương ấm áp, thơm nồng. 
Ngày tháng qua đi khuôn viên nghĩa trang rộng rãi, vây quanh 165 ngôi mộ linh thiêng ở khắp mọi nơi quy tụ về đây, được lát đá sạch sẽ, tường bao vững chãi, là hai hàng cau cao vút, tán lá xanh um, thẳng tắp hai bên đường vào giống như hai hàng lính tân binh nghiêm nghị đón khách vào thăm nghĩa trang.  Nằm xen giữa những ngôi mộ có tên là 32 ngôi mộ khuyết danh chưa có người thân đến chăm sóc, cũng có những ngôi mộ có danh là người gần đây nhưng gia đình vẫn xin để lại nơi này. Tất cả các đồng đội đều được chồng ông chăm sóc mỗi ngày như người thân của mình. 
Nghĩa trang rộng lớn với hàng trăm ngôi mộ nhưng ông Bàng hiểu rõ hoàn cảnh hy sinh của các liệt sĩ, cũng như thuộc lòng từng vị trí phần mộ, gốc cây ngọn cỏ trong khuôn viên. Giữa ông và những người liệt sĩ ở đây dường như có sự gắn kết đặc biệt, chính vì thế một ngày không ra nghĩa trang ông lại cảm thấy có lỗi. Nhiều đêm ông lại ra thắp hương, ngồi nói chuyện với các anh như nói chuyện với những người đồng đội của mình khi còn đi lính, rồi ngủ lại với các anh. “Làm mãi quen rồi, không ra lại thấy nhớ, thấy thương các anh lắm. Cứ chạy ào ra, chỉ mở cổng rồi đi từ hàng mộ này sang hàng bên kia, rảnh thì ngồi lại trò chuyện cùng các anh. Các anh thiêng lắm đó!”, ông giãi bày.
Ngồi lau lại những tấm bia mộ liệt sỹ, nói chuyện với tôi mà thoảng như ông đang trò chuyện với những liệt sỹ nằm dưới đất kia. “Nhìn thấy mộ các anh nằm trong nghĩa trang nhưng người thân không hay biết, lòng mình day dứt lắm. Làm được một việc tốt, lòng mình cảm thấy thanh thản hơn! Chỉ mong một điều là những ngôi mộ chưa biết tên ở đây sớm xác định được danh tính, để có thể trở về quê nhà, được người thân chăm sóc”, ông Bàng bộc bạch.
Tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt của người lính già hôm ấy cùng sự trải lòng: “Còn sống ngày nào, tôi nguyện canh giấc cho các đồng đội của mình được yên nghỉ, cho đến khi họ đón tôi đi…”.
Vậy mà, chỉ mới đây thôi, đồng đội đã về đón ông sang thế giới bên kia. Dù không còn thấy dáng ông hàng ngày lom khom dọn dẹp, thắp hương cho các ngôi mộ liệt sỹ nhưng tin rằng ông mãi là hình ảnh người lính cụ Hồ đẹp nhất giữa thời bình, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng ta phải học tập, noi theo.
Hoàng Bình
 
 
 
Ý kiến của bạn