Khuyến khích nông dân phát triển kinh tế bằng giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

 4226 lượt xem
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi” với sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành phố phía Nam ngày 22/8/2017 tại Tiền Giang 

 TS Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Chăn nuôi đang đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược trong sự phát triển nông nghiệp nước ta. Để phát huy vai trò chăn nuôi trong nền kinh tế thị trường nói chung thì việc ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật thâm canh nâng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường hết sức cần thiết.

Hiện cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Trong đó, 2 khu ở tỉnh Hậu Giang và Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Các sản phẩm được tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rau, hoa, cà phê, chè, thanh long, bò sữa, gia cầm, tôm.
Theo bà Hạnh, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp các tỉnh phía Nam tích cực tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật trong nước và thế giới, chủ động ứng dụng vào chăn nuôi thực tế, nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, vừa bảo đảm đạt được lợi nhuận cao vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
      
Các công nghệ cao, tiên tiến đang được người chăn nuôi phía Nam ứng dụng rộng rãi như chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến chế biến, tiêu thụ, sản xuất thức ăn, thuốc thú y chất lượng cao, tự động hóa chuồng trại… đã giảm được công lao động, giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn, giảm giá thành so với phương thức chăn nuôi truyền thống. 
Ông Nguyễn Văn Bắc, Văn phòng thường trực tại Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là hướng đi mới, khắc phục hạn chế của tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình. Qua đó, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giúp tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng chất lượng sản phẩm, phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập.
Hiện công nghệ cao ứng dụng vào chăn nuôi rất đa dạng với những công nghệ tiên tiến áp dụng vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vacxin thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường…
Tiền Giang là tỉnh đứng đầu ĐBSCL về tổng đàn gia súc, gia cầm với trên 680.000 con lợn và 13,5 triệu gia cầm. Không chỉ mạnh về số lượng, nhiều sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã có thương hiệu uy tín như: Gà ta Gò Công, gà tre Hương Việt, gà ri Phụng Anh… và đặc biệt là trứng chim cút Nguyễn Hồ xuất khẩu sang thị trường Nhật, Singapore với số lượng trên 10.000 quả mỗi tháng.
Bà Nguyễn Phan Hồng Phương, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cho biết, bước đầu tỉnh đã xây dựng các mô hình ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao về giống vật nuôi, chuồng trại, tiến bộ kỹ thuật... góp phần tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu và thân thiện môi trường. Một trong những vấn đề cốt yếu là xây dựng và cải tạo giống. Đơn cử như phương pháp gieo tinh nhân tạo bằng tinh bò đực cao sản đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trong tỉnh, sử dụng tinh bò Charolaise chiếm trên 70%; đặc biệt sử dụng tinh phân biệt giới tính trên bò sữa chiếm 2 - 3%.
Bên cạnh đó các giống vịt được ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao cũng đem lại nhiều hiệu quả. Cụ thể như giống vịt chuyên trứng TC mới đưa vào nuôi với quy mô ban đầu 3.600 con phân bổ đều cho 12 hộ tham gia. Sau 7 tháng thực hiện cho thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/hộ/tháng/300 con vịt đẻ.
Tỉnh Tiền Giang còn nhân rộng mô hình vịt biển 15 Đại Xuyên với đặc thù uống được nước biển có độ mặn 18%. Qua một năm thực hiện, tổng đàn đã nâng lên trên 700 con, cho thu gần 145.000 quả trứng, lợi nhuận đem lại cho mỗi hộ đạt gần 156 triệu/năm…
Cũng tại diễn đàn, rất nhiều câu hỏi của nông dân được đặt ra cho các diễn giả nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phát triển đàn vật nuôi theo hướng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi nói chung là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa thời kỳ đổi mới và hội nhập, đã được các cấp, các ngành, các địa phương hết sức chú ý, xây dựng và nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay.
Kiều Anh
 
 
Ý kiến của bạn