Sáng ngày 15/09, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương).
Tới dự có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đồng chí Chu Văn Yêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; cùng dự có đồng chí Triệu Văn Cường, Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cùng Lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương qua các thời kỳ cùng với toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã và đang công tác.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã nêu rõ: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có lịch sử ra đời với 70 năm hình thành và phát triển, ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của phong trào thi đua ái quốc để giải quyết nhiệm vụ cấp bách hiện thời như chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vì vậy, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương trực tiếp thuộc Chủ tịch phủ với nhiệm vụ: "Tập trung và xét tất cả những đơn từ của tư nhân hay của các Bộ, các cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương; đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huy chương, huân chương các thứ, các hạng; ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các thứ huy chương, huân chương các hạng; phụ trách làm các thứ huy chương, huân chương các hạng, theo đúng như kiểu mẫu đã ấn định; đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương".
Đến năm 1983, Theo Nghị định số 160-HĐBT ngày 23/12/1983, Viện Huân chương là cơ quan giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác khen thưởng trong cả nước.
Ngày 8/12/1987 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/HĐBT về việc sửa đổi tổ chức phụ trách công tác thi đua, khen thưởng, nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội; đổi tên Viện Huân chương thành Viện Thi đua và khen thưởng Nhà nước với nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Thi đua và khen thưởng Trung ương về thi đua, khen thưởng. Từ đây, công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về tổ chức các phong trào thi đua thống nhất với thực hiện khen thưởng trong một tổ chức Nhà nước.
Nhằm đẩy mạnh và thống nhất quản lý công tác thi đua, khen thưởng, ngày 25/8/2004, theo Nghị định số 158/2004/NĐ-CP, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được thành lập trên cơ sở Viện Thi đua, khen thưởng Nhà nước.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan trực thuộc Chính phủ và là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Ngày 8/8/2007, thực hiện sự sắp xếp lại tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2007/NĐ-CP chuyển giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.
Về Công tác Thi đua, ngày 1/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Ban này gồm các đại biểu Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể nhân dân. Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương có nhiệm vụ vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về thi đua yêu nước trong toàn quốc.
Ngày 4/2/1964, theo Nghị định số 28/CP Hội đồng Chính phủ, Ban Thi đua Trung ương và Ban thi đua các cấp được thành lập có chức năng tham mưu cho chính phủ và làm công tác quản lý Nhà nước về công tác thi đua....
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng và là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương.
Ôn lại truyền thống hào hùng của các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của ngành thi đua, khen thưởng trong 70 năm qua là hết sức cần thiết; để những người làm công tác thi đua, khen thưởng được tiếp thêm sức mạnh từ truyền thống thi đua yêu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhằm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng giao cho trong thời kỳ mới. Đó là: "Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế". Gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân".
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐ-KT Trung ương phát biểu chỉ đạo Ban TĐKT Trung ương và Ngành Thi đua, khen thưởng.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, thay mặt Nhà nước, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã đánh giá cao và biểu dương, ghi nhận Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và ngành thi đua, khen thưởng cả nước trong 70 năm qua; đồng thời cũng chỉ đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Ngành thi đua, khen thưởng trong thời gian tới cần tập trung quan tâm thêm các nhiệm vụ chủ yếu, theo đó cần vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm quý báu của các thời kỳ; làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác tham mưu quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Đặc biệt là việc tập trung đổi mới các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội từng thời điểm, từng đối tượng, từng địa bàn cụ thể; đồng thời, quan tâm, phát hiện khen thưởng động viên kịp thời các điển hình tốt, các nhân tố mới; chú trọng, đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của Nhà nước; là động lực thúc đẩy sự cống hiến trí tuệ, sức sáng tạo của từng tập thể, cá nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, ngày 13/9 tại Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã diễn ra hoạt động giao lưu thể thao kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) giữa các đội của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương với các đội của Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an
Tiếp đó, ngày 14/9 tại Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã diễn ra Liên hoan văn nghệ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) giữa đội văn nghệ của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương với các đội văn nghệ của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội,và Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hải Dương.
Minh Vũ