Kim Lư với các phong trào thi đua yêu nước

 4712 lượt xem
Nằm ở phía đông của huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, xã Kim Lư có 5 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao và H.Mông sinh sống xen kẽ hình thành 13 thôn và 619 hộ, 2.619 nhân khẩu, nghề nghiệp chính của nhân dân các dân tộc trong toàn xã chủ yếu là trồng trọt sản xuất nông lâm, nghiệp và chăn nuôi. Năm 2017, xã Kim Lư phấn đấu về đích nông thôn mới, chính vì vậy, ngay từ đầu năm UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác thi đua, phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua với tinh thần đổi mới, gắn phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Song song với công tác tổ chức triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo của các cấp bằng việc cụ thể hóa các văn bản cho phù hợp với đặc thù của địa phương thì công tác phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên địa bàn xã cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc quan tâm, từ đó tạo không khí thi đua sôi nổi trong tầng lớp nông dân hăng say lao động sản xuất. 

 Hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” bà con nông dân xã Kim Lư đã mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông, chuyển đổi diện tích canh tác đối với chân ruộng không chủ động về nước tưới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân. 

Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 50 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có thể kể đến trong lĩnh vực trồng trọt có mô hình trồng cam của ông Hoàng Đình Việt (thôn Đồng Tâm); trồng hồng không hạt, mận lai táo của ông Triệu Công Mạo (thôn Pò Khiển); trồng táo đại kết hợp nuôi ong mật, nuôi dê của ông Mã Văn Báo (thôn Lũng Tao); trồng cam, dưa lê, dưa hấu của ông Nông Văn Thơm và Bà Lương Thị Thoan, Bà Nông Thị Hiên (thôn Bản Cháng); Mô hình trồng rau 3 vụ của ông Đỗ Văn Thìn và bà Trần Thị Vân (thôn Bản Đâng); trồng nấm rơm của ông Triệu Văn Dũng thôn Khuổi Ít; trồng chè dâm cành của ông Hoàng Văn Vàng...Trong chăn nuôi có các mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô 250 con, gà 2.000 con của ông Phạm Văn Hải và bà Lường Thị Nụ (thôn Bản Đâng); Mô hình nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn và thả cá của bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Đồng Tâm); Mô hình chăn nuôi dê, vịt đẻ trứng của hộ Lâm Văn Hưng (thôn Háng Cáu). Về nuôi trồng thủy sản có: Mô hình trại cá giống của Anh Nguyễn Văn Xuyên và Chị Hà Thị Dung (thôn Nà Pài); Mô hình nuôi Ốc nhồi của hộ ông La Đình Dậu (thôn Pò Khiển); nuôi cá ao của ông Hoàng Thanh Tuyền (thôn Đồng Tâm), ông Triệu Văn Chài (thôn Khuổi Ít), mô hình vườn, ao, chuồng, rừng kết hợp của ông Hoàng Văn Khang và bà Đào Thị Huyền (thôn Đồng Tâm); trồng trọt kết hợp chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Đức Ngọ và bà Lường Thị Hoa (thôn Nà Đon)… đều đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.
  
 Mô hình kết hợp vườn, ao, chuồng, rừng 
của gia đình ông Hoàng Văn Khang và bà Đào Thị Huyền (thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư)
 
Ngoài ra, trên địa bàn xã Kim Lư còn có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm dong riềng, sắn và làm bún, phở khô của Hợp tác xã Đồng Tâm; Mô hình tiêu thụ sản phẩm củ dong riềng của anh Hoàng Văn Mỹ… 
Ông Phạm Văn Du, Chủ tịch UBND xã Kim Lư cho biết: thời gian qua các phong trào thi đua được bà con nhân dân trên địa bàn xã nhiệt tình hưởng ứng với nhiều nội dung, hình thức phong phú mang lại không khí phấn khởi, tạo tinh thần lao động hăng say của nhân dân xã. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân được đặt lên hàng đầu, trong đó cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu tiên phong trong mọi hoạt động của phong trào thi đua. Để phong trào đạt hiệu quả cao, lãnh đạo xã đã gắn công tác thi đua khen thưởng với thực tiễn công việc hàng ngày, đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả công việc của từng cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, xã giao cho cán bộ chuyên môn phụ trách từng mô hình cụ thể, các phong trào, các hoạt động mang tính nổi trội, thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc công việc, kịp thời biểu dương những tập thể cá nhân có thành tích công tác tốt. Đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới mỗi ngày xã Kim Lư đều xây dựng bài tuyên truyền và đưa tin trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Sau hơn 6 năm triển khai phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”. Toàn xã có trên 90 hộ hiến đất với diện tích trên 4.766m2, giá trị trên 200 triệu đồng; việc hiến đất mở đường giao thông nội thôn đã trở thành hành động tự giác; tại tất cả các thôn đã tổ chức nhiều hoạt động đóng góp lao động công ích và vật liệu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình hiến diện tích đất lớn làm các công trình công cộng như nhà văn hóa thôn và phá dỡ hàng rào, tài sản trên đất có giá trị lớn nhưng không đặt vấn đề bồi thường điển hình như ông Nông Văn Bòng (thôn Bản Cháng) hiến trên 1.000m2; ông Hoàng Lâm Thưởng, ông Hoàng Thanh Tuyền (thôn Đồng Tâm) hiến 1.000m2; ông Hoàng Văn Hùng thôn Đồng Tâm hiến 600m2; …và còn rất nhiều hộ gia đình khác. 
 
Mô hình trồng cam, ổi tại thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư
 
Có thể nói phong trào thi đua trọng tâm “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” đã thực sự đi vào đời sống người dân xã Kim Lư, tạo ra khí thế mới, khích lệ nông dân trong lao động sản xuất, kinh doanh giúp cho người nông dân tăng thêm thu nhập, do vậy mà đời sống ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo giảm, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng ngày càng được chú trọng và phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững./. 
Châu Anh
 
 
Ý kiến của bạn