Gương sáng trong phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”

 3104 lượt xem
Anh Lại Văn Tú, là đoàn viên chi đoàn thôn Tham Không, xã Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. 26 tuổi anh đã chọn cho mình hướng khởi nghiệp bằng cách mở xưởng sản xuất và dạy nghề mộc dân dụng tại địa phương. Khắc phục mọi khó khăn về vốn, kinh nghiệm, đầu ra cho sản phẩm, đến nay anh Tú đã là chủ một tổ hợp tác thanh niên sản xuất và dạy nghề mộc với lực lượng lao động thường xuyên từ 10 đến 12 thanh niên. 

 

Anh Tú (mặc áo trắng) tại xưởng sản xuất và dạy nghề mộc dân dụng
 
Học hết phổ thông cơ sở, anh Tú đi học nghề cơ khí và làm thuê cho các xưởng mộc, sau khi tích lũy được kinh nghiệm anh quyết định về quê mở xưởng đóng bàn ghế, giường tủ để tăng thu nhập kinh tế cho gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên và tận dụng nguồn gỗ từ việc khai thác rừng trồng của các Dự án, tận thu mua lại cho bà con để tăng thu nhập và nâng cao giá trị gỗ của người dân địa phương.
   
 Anh Lại Văn Tú (đứng giữa) vinh dự được  tặng hoa và bằng khen tại buổi lễ tuyên dương
 
Tháng 8/2014, tổ hợp tác của anh Tú được thành lập với 6 thành viên với số vốn đầu tư ban đầu là 231 triệu đồng để mua các loại máy móc phục vụ sản xuất như các loại máy xẻ gỗ, máy bào, máy rọc, máy chà, cắt…đủ để đi làm các công trình. Hàng ngày, khách hàng có nhu cầu tu sửa, làm mới việc bưng, trần nhà sàn, ván sàn, khuôn, cửa hoặc làm giường tủ, bàn ghế thì anh Tú lại phân công các thành viên trong tổ để đi làm. Tính riêng trong năm 2016, tổ hợp tác thanh niên sản xuất và dạy nghề mộc đã làm hoàn thiện được gần chục ngôi nhà và rất nhiều sản phẩm giường, tủ. Với giá 250.000 đồng/m2 sản phẩm bưng chéo, 600.000 đồng/m2 cửa (tùy theo yêu cầu của khách). Bằng sự nỗ lực trong công việc hàng ngày, tổ hợp tác của anh Tú có thu nhập 60 triệu đồng/tháng. Trong đó, thành viên của nhóm đang học việc có thu nhập 3 triệu đồng/tháng; thành viên đã thành thợ có thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Qua một thời gian gần 3 năm vừa làm, vừa học, vừa tạo vốn để phát triển, mở rộng sản xuất, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tổ hợp tác của anh Tú đã tạo được chỗ đứng ở địa phương khi làm ra được những sản phẩm dân dụng được người dân chấp nhận, tin tưởng. Đặc biệt, anh Tú là người rất say mê, sáng tạo để thổi hồn vào những sản phẩm gỗ có tính thẩm mỹ cao, anh đã truyền kinh nghiệm, cảm hứng cho các thanh niên và được các thanh niên trong tổ thực hiện. Do đó, các sản phẩm của tổ hợp tác làm ra đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng ở các xã trong huyện và ngoài huyện. 
   
 
Anh Lại Văn Tú (áo trắng đứng ngoài cùng bên trái) vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa tại buổi lễ tuyên dương
 
Với ý chí và nghị lực của một thanh niên mới 26 tuổi, anh Tú là điển hình trong phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Ý tưởng của tổ anh Tú đã đạt giải nhất tại Hội thi "Sáng kiến thanh niên" lần thứ nhất do Childfund tổ chức  tại huyện Na Rì và đã đạt giải nhì tại Hội thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực công đồng” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Anh Tú vinh dự là một trong 4 điển hình tiên tiến của tỉnh Bắc Kạn tham dự lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 và được vinh danh tại Lễ Tuyên dương đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, nhiệm kỳ 2012 -2017.     
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lại Văn Tú cho biết: “Có được những kết quả như trên, trước hết bản thân phải có ý chí quyết tâm vượt khó, ý chí làm giàu chính đáng; thứ hai, phải vận động được sự ủng hộ của gia đình, của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên các cấp; thứ ba, quá trình sản xuất kinh doanh phải tạo được sự đồng thuận, đoàn kết của anh em trong tổ, sản phẩm làm ra phải đảm bảo về chất lượng, mẫu mã phải bắt mắt, giá cả ổn định, hợp lý. Trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên địa phương, tiếp tục nhận dạy nghề mộc dân dụng cho thanh niên có nhu cầu. Do điều kiện kinh tế trên địa bàn huyện Na Rì còn nhiều khó khăn, nếu tổ chức được hợp tác xã, chúng tôi sẽ bán sản phẩm của mình với hình thức trả góp, để giúp đỡ bà con”. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của anh Lại Văn Tú và các thành viên, tổ hợp tác thanh niên sản xuất và dạy nghề mộc của anh sẽ duy trì và phát triển hơn nữa trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./. 
Châu Anh
 
 
Ý kiến của bạn