Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, hàng loạt các chương trình, dự án đã được triển khai tại Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn như: Chương trình 30a, dự án 3PAD, chương trình 135… góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Hiện tại, Nam Mẫu đã đạt 7/19 tiêu chí Nông thôn mới trong đó có những tiêu chí quan trọng về An ninh trật tự, Điện, Y tế… Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể đời sống kinh tế – xã hội nơi đây còn tương đối khó khăn. Đây cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc Nam Mẫu.
Do nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể nên quỹ đất canh tác của xã Nam Mẫu cực kỳ eo hẹp. Không những thế, diện tích này lại nằm hoàn toàn trong vùng trũng, thời điểm canh tác thường phụ thuộc vào mực nước lên xuống của hồ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lĩnh vực trồng trọt của địa phương bị hạn chế, bà con chỉ có thể canh tác lúa nước, ngô và một số giống cây ngắn ngày. Về chăn nuôi, Nam Mẫu chủ yếu tập trung phát triển đàn lợn và trâu. Mặc dù vậy, do đa phần các hộ chăn nuôi theo xu hướng cá thể nên việc đầu tư cũng chỉ dừng lại ở mức tự cung tự cấp, phục vụ chủ yếu nhu cầu của người dân bản địa và khách du lịch.
Thôn Khâu Qua có diện tích tương đối lớn nhưng toàn là đồi núi, khe sâu nên để tìm được một nơi có mặt bằng rộng làm nơi trung tâm để hội hè, giao lưu văn hóa, văn nghệ của bản rất khó khăn. Sau khi được cán bộ xã và các ban ngành đoàn thể thôn và nhân dân trong thôn vận động, mặc dù là hộ thuộc diện cận nghèo, nhưng gia đình ông Thào Văn Dẩu, dân tộc Mông ở thôn Khâu Qua, xã Nam Mẫu đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất đồi trồng ngô, đỗ hằng năm của gia đình để san ủi làm sân thể thao. Cũng nhiều trăn trở về cuộc sống gia đình khi bớt đi diện tích canh tác, trong khi quỹ đất trong thôn cũng như trong xã không còn nhiều. Sau nhiều đêm suy nghĩ đấu tranh tư tưởng giữa một bên là quyền lợi, cuộc sống của gia đình, một bên là lợi ích của cộng đồng dân cư, ông xác định rõ thôn cần đất để xây dựng công trình công cộng, mình cũng cần có trách nhiệm trong xây dựng thôn bản. Bên cạnh đó, khi có nhà văn hóa khang trang, có sân rộng không chỉ người dân trong thôn, mà gia đình ông cùng các thế hệ con cháu được hưởng thành quả nên ông bàn với gia đình và quyết định hiến hơn 3.000m2 đất canh tác hằng năm, trị giá hàng chục triệu đồng để cùng thôn san ủi làm nơi hội họp, giao lưu văn hóa, thể thao. Đặc biệt khi có mặt bằng, thôn đã xây dựng được nhà văn hóa thôn khang trang, đảm bảo đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Từ khi có sân thể thao, có nhà văn hoá khang trang, không chỉ người dân trong thôn có nơi thuận tiện để hội họp, giải quyết những vấn đề bức xúc của khu dân cư, mà các tổ chức, đoàn thể cũng có nơi sinh hoạt, tổ chức ký kết thi đua. Khu vực sân rộng là nơi để vui chơi, tập thể thao của bà con những lúc nông nhàn, là nơi các cụm dân cư thôn Nà Nghè, Đán Mẩy, Nà Phại, Nặm Dài về đây giao lưu văn nghệ vào mỗi dịp lễ, Tết, gắn kết bà con nhân dân với nhau trong tình làng nghĩa xóm. Sự gương mẫu hiến đất của ông có sức lan toả, giúp khơi dậy tinh thần tự giác, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Việc hiến đất xây dựng nông thôn mới của gia đình ông Thào Văn Dẩu rất cần được biểu dương, nhân rộng.
Ông Thào Văn Dẩu trên khu đất của mình trước khi hiến làm sân thể thao….
Nhờ có mặt bằng, thôn Khâu Qua làm được Nhà Văn hóa thôn khang trang
Minh Vũ