NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI Ở TUỔI XƯA NAY HIẾM

 1512 lượt xem
Cái duyên để gia đình ông Nguyễn Viết Thự rời quê lúa Thái Bình đến với mảnh đất xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh như là tiền định. Cô con gái lớn sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện đến với đảo xa, những lần ra thăm con gái, ngỡ ngàng trước sự hiền hòa, thân thiện của mảnh đất và con người nơi đây, ông bà đã quyết định chuyển cả gia đình ra vùng đảo lập nghiệp ngay sau khi nghỉ hưu, một lần nữa gây dựng cuộc sống mới ở cái tuổi lục tuần. 

Thời điểm đó, ông thấy Cô Tô Tô còn hoang sơ, bầu không khí trong lành, biển vỗ rì rào nhưng còn khó khăn, nghèo nàn. Từ cảng Cái Rồng của thị trấn Vân Đồn phải mất nửa ngày đi tàu gỗ mới ra được Cô Tô. Nhưng không phải cứ muốn ra đảo là được bởi còn phải nhìn xem trời có yên, nhìn biển có lặng không... Ra đến Cô Tô, phố xá ở thị trấn chỉ có mấy dãy nhà, phần đông là cấp bốn. Nhà nào có điều kiện mới có tấm pin mặt trời đặt trên nóc nhà để tích điện vào ắc quy phục vụ sinh hoạt, cứ tầm 8 đến 9 giờ tối là tối thui vì chưa có điện lưới quốc gia. Lên xã Đồng Tiến hay sang đảo Thanh Lân thì còn đìu hiu hơn nhiều. Đường vào các thôn toàn đường đất và cát, dứa dại mọc đầy. Cuộc sống của người dân trên đảo khi ấy nhiều khó khăn. 

Mảnh đất đầy nắng và gió, người dân nơi đây quanh năm phải chống chọi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thế nhưng ông Thự những tuổi ngoài lục tuần ấy lại làm giàu trên chính mảnh đất này bằng sự kiên trì, nhẫn nại và cả sự sáng tạo; người đã thành công với mô hình vườn rừng, và là cá nhân điển hình cho tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nơi xứ đảo.
 
Với gốc là kỹ sư nông nghiệp, ngay những ngày đầu đến với vùng đảo còn nhiều hoang sơ này ông Nguyễn Viết Thự đã bắt tay vào trồng cây vườn đồi. Hơn 7 năm trời khai hoang trên vùng đảo khát, diện tích vườn đồi của gia đình ông đã lên đến 3 ha với đủ các loại cây trồng. Cũng từ khi đảo Cô Tô được quan tâm xây dựng nhiều hồ chứa nước ngọt, nhưng trên thực tế chưa thể phục vụ đầy đủ diện tích đất đồi trên đảo. Để cây cối có thể sinh trưởng và phát triển tốt, ông Thự đã rất quan tâm đến nguồn nước phục vụ tưới tiêu với nhiều giếng nước ngọt được khơi trên diện tích đất đồi quanh nhà để tận dụng nguồn nước hiếm hoi được tích tụ sau những trận mưa dài. Chính vì thế mà mảnh vườn của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt.
 
 
Chỉ với bàn tay của hai vợ chồng, ông Thự đã ngoài 60 tuổi cùng 3ha vườn đồi với quyết tâm và kiến thức của mình ông đã tự nghiên cứu, vào đất liền mua giống thử nghiệm trồng nhiều loài cây, thành công có, thất bại có và đến nay khu vườn của bác đã cho thành quả. Với 200 gốc ổi, na, hồng xiêm, hồng không hạt mỗi loại. Nhiều loại cây như ổi, nhãn...... và đặc biệt là 500 gốc măng Bát Độ hàng năm đã đem lại thu nhập cho gia đình ông gần 200 triệu đồng/năm. Với những thành tích của mình ông đã nhiều lần được tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi. Hơn thế ông còn chia sẻ kinh nghiệm của mình với bà con trong thôn, trong xã cùng phát triển đến nay trong xóm nhiều vườn hộ gia đình cho thu nhập hàng năm đạt hơn 100 triệu đồng; đồng thời đối với phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” ông vận động, tuyên truyền các hộ gia đình trong thôn chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển Vườn mẫu nông thôn mới.
 
 
Ngoài những cây trồng đã quen thuộc với mọi người thì hai năm gần đây ông Thự tiến hành trồng thử nghiệm cây siro. Không chỉ tự làm giàu cho gia đình mà ông bà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân quanh vùng. Nhiều người dân ở đây trước kia chủ yếu sống dựa vào việc đi đánh bắt thủy hải sản mà ít chú trọng đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng với những kinh nghiệm được ông Thự chia sẻ, nhiều hộ đã thành công với mô hình vườn đồi. 
 
  Cây trong vườn không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà  vườn rừng của gia đình ông Thự còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại huyện đảo Cô Tô. Mặc dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi, có thể nói là quá khắc nhiệt, đặc biệt là nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nhưng với sự cố gắng, nỗ lực và lòng yêu vùng đất và con người nơi đất đảo, ông Nguyễn Viết Thự đã gặt hái được nhiều thành công bằng chính bàn tay lao động của mình. Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu, giàu ý chí nghị lực để con cháu và nhiều thế hệ noi theo.
 
Minh Vũ
 
 
 
Ý kiến của bạn