Lớp học nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở chợ nổi Cái Răng, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường

 2702 lượt xem
Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX khi các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu xuống; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, cà ràng từ miệt Cà Mau, Rạch Giá lên tụ họp, mua bán. Lúc mới hình thành vị trí khu chợ ở cạnh chợ trên bờ, sát hai bên cầu Cái Răng hiện nay. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do trở ngại trong việc giao thông đường thủy, chợ được di dời qua khỏi cầu về hướng Phong Điền, cách vị trí cũ hơn 1 km. 

  Từ năm 1945-1975, chợ nổi Cái Răng nói riêng, chợ nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung không hoạt động. Một mặt do chế độ cũ không khuyến khích việc tụ tập ghe, tàu đông đúc ở thị tứ, khó kiểm soát về mặt an ninh. Mặt khác, do nhiều ruộng rẫy, vườn tược bị bom đạn tàn phá hoặc bị bỏ hoang không sản xuất nên nông sản ngày càng ít đi, các hoạt động mua bán trên sông thưa vắng. Thời gian những năm sau ngày giải phóng đến nay, ruộng rẫy hồi sinh, sản xuất phát triển, đặc biệt từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng (1986), các hoạt động mua bán trên chợ nổi được khôi phục và phát triển nhanh. Nguyên nhân dẫn đến việc ra đời của chợ nổi Cái Răng, đó là sự phát triển ngày càng nhanh của ngành nông nghiệp dẫn đến hàng nông sản dư thừa cần có nơi tiêu thụ nhanh, đồng thời đảm bảo giá cả. Những vùng đất sản xuất nông nghiệp như: Ba Láng, Phong Điền, Bình Thủy có liên quan trực tiếp đến sự ra đời của chợ nổi Cái Răng; khúc sông nơi chợ nổi Cái Răng tọa lạc có nhiều yếu tố tự nhiên không quá sâu, không cạn, không quá rộng, không hẹp nên thuận lợi, lại là nơi hợp lưu của nhiều nhánh sông làm cho việc thông thương, mua bán trên sông dễ dàng hơn; ban đầu lúc chợ nổi mới được hình thành thì điều kiện đi lại, mua bán trên đường bộ thật sự chưa tiện lợi, người dân Nam bộ đã có thói quen và thành thạo dùng ghe, xuồng để đi lại và chuyên chở hàng hóa. Thông thường sông là nơi không thuộc quyền sở hữu của riêng ai. Đây là điểm thuận lợi cho những người mua và bán khi họ không xác lập được một địa điểm mua bán ở chợ trên bờ. 

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở chợ nổi Cái Răng càng trở nên trầm trọng mà suy cho cùng là do sự thiếu ý thức của người dân địa phương. Họ vứt rác xuống sông một cách tùy tiện chưa kể các chất thải gây ô nhiễm khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm đi sự hấp dẫn của điểm du lịch. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và đảm bảo chất lượng môi trường chợ nổi trong tương lai cần có những biện pháp như: Mở lớp tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân địa phương, dân thương hồ về việc cần phải bảo vệ môi trường trên sông; thiết lập hệ thống thu gom và xử lý rác thải; quy định các ghe, tàu, xuồng buôn bán trên sông, các phương tiện chuyên chở khách tham quan phải có thùng đựng rác; yêu cầu chủ tàu và hướng dẫn viên nhắc nhở du khách về việc bảo vệ môi trường trong lúc tham quan; thành lập đội thường xuyên kiểm tra và đưa ra khung xử phạt hợp lý cho từng trường hợp gây ô nhiễm môi trường trên sông; xây dựng khu vệ sinh phục vụ nhu cầu của dân thương hồ và du khách tại chợ. 
Chợ nổi Cái Răng không chỉ là điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ, ở đó còn có cuộc sống mưu sinh của khách thương hồ, cùng cuộc sống nhiều thiệt thòi của nhiều em nhỏ. Việc đến trường của con em khách thương hồ thường bị hạn chế bởi nhiều quy định, chính sách và thường chỉ dừng lại ở bậc tiểu học. Bởi vậy ước mơ được học ngoại ngữ hay những kỹ năng mềm dường như chưa bao giờ xuất hiện ở đây. Giờ đây, ngay trên chợ nổi đã xuất hiện lớp học đặc biệt được hình thành từ dự án “Mekong Healthy Initiative Through Peer Education”- Giáo dục đồng đẳng Mekong, của nhóm tình nguyện viên Mekong Youth Impact (viết tắt là MYI) - Người trẻ Mekong.
 
Lớp học trên chợ nổi Cái Răng.
 
Lớp học trên chợ nổi này đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng 8 năm 2016, ban đầu có vài em, dần dần số lượng đang tăng lên khi các gia đình thương hồ sống gần đó quan tâm. Chị Đặng Ngọc Diệu, phụ huynh của hai em Ngọc Ái và Ngọc Yến, cho biết: “Mấy bữa trước, tôi chạy ngang đây mới thấy có lớp học này, mới đem hai đứa nhỏ sang xin cho học. Tụi nhỏ thích lắm, cứ đòi học hoài không chịu về. Hằng ngày, hai vợ chồng mưu sinh trên chợ nổi, đâu có nhiều thời gian chơi với con, nay có lớp học này, tôi cũng thấy an tâm, con mình có chỗ học, chỗ sinh hoạt nhý con ngýời ta”. Ánh mắt chị Diệu ðong ðầy hạnh phúc khi nép mình ở một góc, quan sát các con học hành, vui chơi cùng các bạn. Với người chợ nổi, niềm vui, hạnh phúc của họ đôi khi chỉ giản đơn như thế.
Chiều Chủ Nhật, ngôi nhà bè của ông Lý Hùng tại phường Lê Bình, quận Cái Răng lại rộn vang tiếng các em nhỏ học tiếng Anh. Lớp học có hơn 10 em với đủ các độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi, chia thành hai nhóm nhỏ, được các tình nguyện viên của nhóm MYI hướng dẫn học tập, vui chơi qua các bài hát, câu chuyện bằng tiếng Anh. Sau vài phút ngỡ ngàng ban đầu, các em mạnh dạn làm quen với cách thức chào hỏi, giới thiệu về mình thông qua các bài tập, ca khúc thiếu nhi, trò chơi và hoạt động nhóm. Một buổi học khác, các em được học về chủ đề: thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu. Sau hơn 2 giờ học tập với phương pháp giảng dạy vừa học - vừa chơi, các em nhỏ dần nhận thức, hiểu hơn về môi trường, biết thuyết trình, làm việc nhóm và trân trọng những sản phẩm mình làm ra. 
Từ khi lớp học hình thành, người dân chợ nổi lại càng gắn kết, xích lại gần nhau. Chiếc ghe mưu sinh hằng ngày, trở thành phương tiện đưa đón các em nhỏ, chuyện quá giang, đưa rước con em người này người kia trở thành hình ảnh quen thuộc ở ngôi nhà nổi của chú Lý Hùng. Chị Nguyễn Minh Thơ - điều phối viên dự án, chia sẻ: “Trước khi dự án bắt đầu, chúng tôi đã khảo sát, thuyết phục các gia đình cho con em tham gia lớp học. Ban đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn vì mọi người không tin tưởng bởi chúng tôi còn quá trẻ, nhưng từ từ bà con đã đồng ý và lớp học ngày càng đông, nhận được những phản hồi tích cực”. Các phụ huynh bây giờ đều chủ động đưa đón các em đến lớp đúng giờ, không còn cần các tình nguyện viên đến đón, nay có thêm nhiều phụ huynh đến xin cho con cháu mình tham gia lớp học. Minh Thơ cho biết: Lớp học này còn có mục đích nâng cao nhận thức về môi trường của những trẻ em đang sống tại chợ nổi Cái Răng, trong đó hình thức chính là trao đổi và giúp các em tiếp thu các chủ đề chính: môi trường, tiếng Anh, đọc sách. Nhóm MYI tổ chức 4 buổi học mỗi tháng, bắt đầu vào lúc 14 giờ ngày Chủ Nhật; qua đó, từng bước hướng dẫn các em thực hành tái chế, tái sử dụng các vật dụng bỏ đi, xây dựng tủ sách cộng đồng đặt tại chợ nổi, vẽ tranh, đóng kịch về chủ đề môi trường… dần hình thành cho các em nhỏ ý thức và thói quen bảo vệ môi trường xung quanh và nơi các em đang sống. Mỗi tuần qua đi, các thương hồ cảm thấy phấn chấn hơn trước những chuyển biến tích cực của con mình. Chủ bè cho mượn mở lớp, có 2 con tham gia lớp học, vui mừng nói: “Trước đây nhiều lúc mình nói tụi nhỏ lì không nghe. Còn bây giờ, nghe các anh chị dạy, đứa này trông đứa kia nên làm gì cũng biết xin phép, biết thu dọn đồ đạc, thậm chí còn “canh me” không cho ai xả rác xuống sông”. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến lớp học, thậm chí có người ở trên bờ cũng đưa con xuống bè xin nhập học, như chị Trần Bích Tuyền ngụ tại phường Lê Bình, quận Cái Răng. Chị Tuyền bày tỏ: “Gia đình tôi không có điều kiện cho cháu học thêm tiếng Anh nên khi biết có lớp này tôi dẫn con xuống xin cho cháu học”.
Chị Trần Anh Thư- Quản lý dự án, cho biết: “Mekong Healthy Initiative Through Peer Education là một trong ba dự án được chọn hỗ trợ từ cuộc thi “Kêu gọi ý tưởng hoạt động bảo vệ môi trường sông tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Vietnam Rivers Network, viết tắt là VRN) tổ chức. Khi viết dự án này, chúng tôi mong muốn có thể góp sức giúp cuộc sống, môi trường của người dân chợ nổi Cái Răng được cải thiện, nhất là với các em nhỏ. Dự án chỉ được tài trợ trong giai đoạn đầu, khoảng 6 tháng, tuy nhiên, để thay đổi nhận thức và hành động của các em thì cần thời gian rất dài, do đó, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục dự án đến cuối tháng 8 năm 2019”. Từ việc giúp các em nhỏ ở chợ nổi Cái Răng có nhận thức về bảo vệ môi trường, nhóm MYI đã kết hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cái Răng trực tiếp tổ chức hoạt động "Dọn rác ở chợ nổi", thu hút sự tham gia tích cực của các em. Với những dụng cụ đơn giản do phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cái Răng hỗ trợ và băng rôn tự chế, hơn 20 tình nguyện viên đã cùng các em nhỏ thu gom rác xung quanh chợ và ngay bên sông để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường; tổ chức triển lãm “Hội chợ môi trường” để trưng bày những sản phẩm, vật dụng tái chế, tranh vẽ của các em nhỏ ở lớp học chợ nổi. 
Còn hơn thế, lớp học ở chợ nổi chỉ xuất phát từ một dự án và tấm lòng của những người trẻ, nhưng đã đáp ứng nhu cầu của người dân chợ nổi về mong muốn cho con em được học ngoại ngữ, có kỹ năng mềm và kiến thức xã hội cũng như vui chơi giải trí, bảo vệ môi trường. Lớp học này không đủ hiện đại, đúng chuẩn như trường học nhưng lại xuất phát, được nuôi dưỡng từ tình cảm, sự chân thành của những bạn trẻ - những người sinh ra và lớn lên tại Cần Thơ. Chính từ điều đó, đã nuôi dưỡng cho ước mơ của các bạn nhỏ, như cô bé Nguyễn Thị Kim Hân 12 tuổi, mong muốn trở thành bác sĩ, hoàn thành ước mơ của người chị từng bỏ học để em được đến trường. 
 
 
Minh Vũ
 
 
Ý kiến của bạn