MÔ HÌNH ĐỘC ĐÁO - THỤ PHẤN CHỦ ĐỘNG BẮT CÂY NA RA TRÁI VỤ

 2249 lượt xem
Với mục tiêu nâng cao đời sống gia đình, ông Mã Văn Lét xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã có ý tưởng và tiến hành thực hiện xây dựng mô hình kinh tế gia đình từ rất sớm. 

 Ngay từ những năm 1990, sau khi lập gia đình cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, từ 3 sào ruộng được bố mẹ cho hai vợ chồng ông Lét chăm chỉ cấy lúa để đáp ứng lương thực tiêu dùng, để có đất canh tác, trồng trọt ông bàn với vợ mạnh dạn khai phá đất trên núi để trồng na. Lấy ngắn, nuôi dài mới đầu ông trồng 200 gốc na; tích cóp dần dần, được bao nhiêu ông lại dồn tiền để mỗi năm ông trồng thêm 100 đến 200 gốc. Cứ thế, sau hơn mười năm, toàn bộ “gia sản” của gia đình ông đã có hơn 1.000 gốc na trên núi đá; vừa mở rộng diện tích trồng na, vừa chi tiêu cuộc sống hàng ngày, nên khó khăn về vốn là không thể tránh khỏi. Khi có chính sách về vốn đối với hộ nông dân, ông được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng nông nghiệp và Phát triên nông thôn nên đã mạnh dạn đầu tư để mua phân bón, xây bể trữ nước để đảm bảo na sinh trưởng tốt. Cây na, sau 3 đến 4 năm ươm trồng, chăm sóc tốt đã cho thu hoạch và bước đầu có thu nhập, ổn định ổn định cuộc sống. Có tiền tích lũy giai đoạn này, ông tiếp tục mua đất để trồng thêm 800 gốc na dưới đất bằng. 

Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn, vợ chồng ông và gia đình bàn bạc thống nhất cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc phát triển vườn cây Na theo hướng hàng hóa sạch và an toàn. Ông thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; với Phòng Nông nghiệp và Trạm bảo vệ thực vật huyện Chi Lăng để nắm chắc kiến thức chăm sóc, phòng, chữa bệnh trên cây Na để vườn cây cho thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Từ thực tế cho thấy, nông sản chính vụ thường có giá bấp bênh, được mùa thì không được giá và phụ thuộc vào thương lái thu mua. Cây na cũng không nằm ngoài suy nghĩ của ông, đó là nếu làm cây na ra trái vụ sẽ làm phong phú thêm thị trường, đồng thời giá trị quả na sẽ được cao hơn. Nhờ chịu khó học hỏi ông Lét đã nghiên cứu và tìm ra để cây na ra hoa trái vụ, thụ phấn chủ động để ra quả…
 
 
Điểm đặc biệt nhất ở ông, sau khi tìm tòi, sáng tạo ra kỹ thuật mới ông không giữ bí quyết cho riêng mình mà luôn nhiệt tình chia sẻ cách làm; trực tiếp đến vườn để hướng dẫn anh em, bạn bè cách cắt tỉa cành, tuốt lá, ngắt hoa, thụ phấn để cây cho quả trái vụ. Nhờ đó, không chỉ tại xã Chi Lăng đã có thêm rất nhiều gia đình sản xuất na trái vụ do được học hỏi kỹ thuật từ ông Lét mà còn phổ biến, nhân rộng trên toàn huyện…
Ngoài cây Na, đối với hai mẫu ruộng, 1 mẫu cấy lúa hai vụ, 1 mẫu cấy 1 vụ lúa, vụ đông trồng khoai tây, trồng ngô. Tấc đất tấc vàng, các khoảng đất vườn còn trống, từ cuối năm 2012 ông trồng thêm gần 100 cây bưởi Diễn,  nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, trung bình mỗi cây bưởi Diễn của gia đình ông cho khoảng 100 quả. 
Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông phối hợp, tích cực vận động bà con, cùng bà con đóng góp xây dựng, bê tông hóa 100% đường làng, nhà văn hóa thôn, cổng làng đạt theo tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, ông còn  tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. 
Năm 2016 để ghi nhận sự nỗ lực vươn lên làm giàu, gia đình ông Lét đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và được bình chọn vào danh sách xét tuyển cho mùa giải “Sao Thần nông - Cho mùa bội thu” năm 2017 - giải thưởng giới thiệu, tôn vinh, khuyến khích các mô hình sản xuất mang tính sáng tạo, độc đáo, đem lại hiệu quả cao trên toàn quốc.
 
Minh Vũ 
 
 
Ý kiến của bạn