Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở Thanh Trì (Hà Nội)

 1096 lượt xem
BTĐKT - Sau Đan Phượng và Đông Anh, mới đây, Thanh Trì vinh dự là huyện thứ ba của TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Chính quyền và nhân dân nơi đây đang nô nức, phấn khởi như bước sang một trang mới trong tiến trình phát triển, tiến tới xây dựng Thanh Trì trở thành 1 trong những quận tiêu biểu của TP Hà Nội đến năm 2020. 
Hành trình “cán đích” nông thôn mới  
Vốn là huyện ngoại thành nằm trong quy hoạch đô thị trung tâm mở rộng của Thủ đô Hà Nội, có 15 xã, 1 thị trấn, huyện Thanh Trì bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2012. Xã Đại Áng được lựa chọn làm xã thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội. Song song với chỉ đạo mô hình điểm, huyện nhanh chóng triển khai xây dựng nông thôn mới đồng loạt đến 14 xã còn lại với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm" .
 Đường giao thông liên thôn, xã ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) được bê tông hóa, khang trang hiện đại
 
Những ngày đầu triển khai chương trình, Thanh Trì gặp không ít khó khăn. Do tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động  sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách của huyện.  Vấn đề ô nhiễm  môi trường ở các dòng sông, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn, tiêu thoát nước trong khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất,  đào tạo nghề cho lao động nông thôn là những nhiệm vụ mà huyện cần phải tập trung giải quyết… Trong khi, đa số người dân nông thôn trong huyện vẫn còn khó khăn về vốn đầu tư,  chưa mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và  phát triển mạnh các ngành phi nông nghiệp để tạo việc làm và nguồn thu nhập.
Trước những khó khăn đó,  huyện đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để định hướng và đảm bảo phát triển bền vững. Năm 2012, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 15 xã và ban hành  quy chế quản lý theo quy hoạch. Điều đáng nói là,  toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân đều tham gia xây dựng, tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch này.
 
Thanh Trì vừa được trao Bằng đạt chuẩn huyện nông thôn mới
 
Huyện cũng xác định xây dựng hạ tầng là động lực, tiền đề cho phát triển. Với quan điểm chỉ đạo phát huy vai trò mạnh mẽ của nhân dân, trong đó huy động nguồn lực của cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết. Từ đó, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có nhiều sáng tạo  và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và thực sự trở thành phong trào tụ hội ý Đảng, lòng dân rất mạnh mẽ. Hệ thống giao thông từ đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng đến đường liên thôn, liên xã, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, các công trình bảo vệ môi trường, các thiết chế văn hoá, các công trình tri ân các anh hùng liệt sĩ được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. 
Phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống nhân dân, là tiêu chí để nhân dân cảm nhận rõ nét về chương trình xây dựng nông thôn mới. Xác định lợi thế của huyện là huyện ven đô, có khả năng cung cấp các sản phẩm về nông nghiệp cho Thủ đô, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa. Đến nay huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ổn định như vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã Đại Áng, Đông Mỹ; Vùng trồng rau an toàn tại các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vùng trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc, vùng trồng lúa chất lượng cao tại các xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai... Các bước triển khai bài bản, có sự tham gia giám sát của người dân, không để xảy ra đơn thư khiếu kiện.  Đồng thời đã quy hoạch và xây dựng được các cụm công nghiệp, làng nghề. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại được đầu tư theo quy hoạch đảm bảo phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên toàn huyện đạt trên 90%.
Văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên, công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, nhiều lao động nông thôn được tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ. Từ đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 45% năm 2011 lên 65% vào năm 2017. 
Cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được đầu tư, hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao. Đến nay huyện có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế ở mức độ 2. 
Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội và ứng xử văn hóa được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn huyện có trên 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí mà Thanh Trì đã dày công thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Huyện đã triển khai Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp để cải tạo môi trường nông thôn. Đến nay cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện đã được giải quyết. 
Nhằm đảm bảo môi trường trong khu dân cư, huyện đã phối hợp với Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn, xây dựng đồng bộ các điểm tập kết rác, quy định giờ vận chuyển không để rác tồn đọng qua ngày; chỉ đạo các xã mỗi năm lựa chọn ít nhất một ao, hồ trong khu dân cư để kêu gọi xã hội hóa cải tạo môi trường, nạo vét, kè bờ, làm lan can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh chống lấn chiếm, tạo khu vui chơi cho cộng đồng. Kết quả đến nay đã kè được 14 ao hồ, điển hình tại các xã Hữu Hòa, Yên Mỹ, Tứ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp, Đại Áng, Đông Mỹ.... 
Để trả lại vẻ sạch, đẹp cho các dòng sông Nhuệ và sông Tô Lịch, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị đóng trên địa bàn và kêu gọi quần chúng nhân dân ra quân tổng dọn VSMT các tuyến sông. Kết quả đến nay đã cải tạo môi trường, khơi thông dòng chảy, đào đắp taluy bờ sông, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình dọc hai bên bờ sông tự giác dỡ 475 công trình, di dời các bãi tập kết vật tư vật liệu, cắm cọc tiêu chống lấn chiếm, làm đường giao thông, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên bờ sông, bước đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước các dòng sông trên địa bàn.
Tiếp tục phấn đấu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Trì xác định nông thôn mới là chương trình trọng điểm của huyện nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng đô thị. Được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới là niềm tự hào to lớn, tuy nhiên chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì xác định đây chỉ là thành công bước đầu, bởi phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. 
 Thanh Trì sẽ quyết liệt duy trì, cải thiện điều kiện môi trường nông thôn
 
Thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời phấn đấu xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển huyện đồng bộ theo hướng đô thị.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô tập trung và vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo duy trì, cải thiện điều kiện môi trường nông thôn. Đối với môi trường trong khu dân cư, huyện sẽ quy hoạch và xây dựng đồng bộ các điểm tập kết rác, quy định giờ vận chuyển không để rác tồn đọng qua ngày; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổng thể chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh trên toàn hệ thống giao thông nông thôn; mỗi năm lựa chọn ít nhất một ao, hồ trong khu dân cư để kêu gọi xã hội hóa cải tạo môi trường, nạo vét, kè bờ, làm lan can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh chống lấn chiếm, tạo khu vui chơi cho cộng đồng. Đối với môi trường các dòng sông, huyện duy trì ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường các tuyến sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình dọc hai bên bờ sông cam kết không xây dựng các công trình vi phạm, tập kết vật tư, vật liệu; cắm cọc tiêu, làm đường gom, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, tổng vệ sinh, trồng hoa cây xanh dọc tuyến kênh trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, môi trường tại khu công nghiệp, làng nghề sẽ được quan tâm sâu sắc hơn. Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý rà soát nâng cấp các trạm xử lý nước thải tập trung, chấp hành nghiêm quy chế vận hành; phối hợp tốt với các Sở ngành của Thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như nhà máy Pin, Phân lân Văn Điển....
Hà Nam
 

 

 
Ý kiến của bạn