Tình nguyện xây cầu kiên cố cho dân

 1861 lượt xem
BTĐKT – Dù chỉ là một người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn, vất vả mưu sinh nhưng ông Lê Văn Thành sinh năm 1968, tại xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã tình nguyện bỏ ra cả trăm triệu đồng cùng bao nhiêu tâm huyết để xây dựng nên cây cầu Vườn Bộng kiên cố, mang lại niềm vui, phấn khởi cho bà con nhân dân. Ông là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, được UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen năm 2017. 

 Xã Nhơn Thọ vào thời điểm học sinh tan học trở nên nhộn nhịp hẳn bởi những tiếng cười nói vui vẻ của các cô cậu học sinh sau giờ tan trường. Chúng đang vừa đạp xe băng băng qua cây cầu Vườn Bộng, vừa tán chuyện với nhau rất sôi nổi. 

Cảnh tượng đó có lẽ đối với mọi người sẽ chẳng có gì đặc biệt, nhưng với ông Lê Văn Thành lại là niềm vui sướng, hạnh phúc trong tâm. 
Ông bảo, kể từ khi cầu Vườn Bộng được dựng nên, ông đi làm ruộng không phải chứng kiến và lo lắng cảnh bọn trẻ đi học cực khổ qua cây cầu tre lắc lẻo; có đứa không may trượt chân rơi tõm xuống suối nước, nguy hiểm lắm.
 Ông Thành bên cây cầu do mình tích góp tiền bạc cả đời để xây dựng.
 
Trước đây, giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước thuộc thôn Thọ Lộc 1 có một con kênh chia cắt (chiều rộng khoảng 7 mét và chiều sâu gần 2 mét). Từ bao đời nay, nhân dân 2 xóm đều góp tiền và công sức để xây dựng cầu tre tạm bợ. Tuy vậy, hàng ngày, nông dân chăn thả gia súc, vận chuyển nông sản đi lại rất khó khăn. Nhất là vào mùa thu hoạch không thể vận chuyển lúa qua cây cầu tre này bằng xe cơ giới, phải gánh từng gánh lúa rất cực khổ.
Vào mùa mưa, nước chảy xiết khiến việc đi qua cầu tre rất nguy hiểm. Các cháu nhỏ đi học phải có người lớn cõng qua; nếu không thường sẽ bị rớt xuống, gây nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi lần lũ về thường cuốn trôi luôn chiếc cầu tre ấy, bà con đành phải chờ lũ rút mới làm lại cầu để đi.  
Do đó, nhân dân nơi đây luôn khát khao mong mỏi xây dựng được cầu kiên cố tạo điều kiện để phát triển hàng hóa giữa 2 xóm nói riêng và nhân dân trong xã nói chung được thuận lợi;  con em được đi học bình thường như bao trẻ khác. Tuy nhiên, ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên mong ước đó vẫn chỉ dừng lại ở cây cầu tre lắc lẻo. 
Dù là một người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng hằng ngày ông Lê Văn Thành làm ruộng ở khu vực gần cầu, phải liên tục chứng kiến cảnh bất tiện đó nên cảm thấy không an tâm. Ông nghĩ, mình cần phải có trách nhiệm với vấn đề này. 
Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình ông cũng còn nhiều mối lo toan. Ngôi nhà đang ở của gia đình ông  được xây từ năm 1998, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Ông bảo, phải xây dựng 3 lần mới nên căn nhà rộng 90m2 ấy, nhưng ngôi nhà chỉ được làm từ 120 bao xi măng, còn lại toàn vôi, vữa. Nhà xây xong, 3 năm sau mới trát được tường vì hết kinh phí. Khi ấy, chất lượng gạch dùng xây nhà cũng kém, nên bây giờ mảng tường bên trái đã bóc lớp vữa, lớp gạch bên trong lộ ra ngoài, gạch cũng không còn nguyên vẹn, đã bục, chỉ cần lấy ngón tay chọc vào là thủng, vỡ.
Sau hơn 30 năm vừa làm thợ nề, vừa làm nông, chăn nuôi, ông Thành đã tích lũy được gần 110 triệu đồng, nhiều đêm ông nghĩ sẽ dùng số tiền trên để sửa sang lại nhà cửa. Nhưng chứng kiến cảnh bất tiện của nhân dân, ông đã bàn bạc với gia đình và quyết định xin phép chính quyền cho xây cầu bê tông bắc qua hai xóm, còn nhà xuống cấp sau này tích góp được sẽ tính sau.
Nghĩ là làm, ông Thành đã gặp gỡ chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các hộ dân trong thôn để bàn bạc quyết tâm xây dựng cầu. Ông đến các gia đình 2 xóm gặp gỡ, trao đổi, vận động nguời dân trong thôn góp tiền, công sức để xây dựng. 
Khi nhân dân đã đồng thuận cao, ông cùng Ban điều hành thôn trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chính quyền địa phương để xây dựng cây Cầu Vườn Bộng nối liền giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước. 
Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương ông và Ban quản lý thôn đã tham mưu UBND xã nhờ đơn vị có tư cách pháp nhân là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thiên Phát lập giúp thiết kế không thu tiền, dự toán với tổng kinh phí 157.646.000 đồng. 
Sau khi có dự toán thiết kế ông cùng với thôn, xóm đã vận động nhân dân hai xóm đóng góp tiền và ngày công, cụ thể: nhân dân 2 xóm đóng góp được 1.550.000 đồng, hơn 150 ngày công lao động cùng các dụng cụ thi công, 110 gốc tre, UBND xã đã đầu tư 4 dầm sắt chữ I mỗi cây dài 6 mét, số tiền còn lại 90 triệu đồng do chính gia đình ông tự nguyện đóng góp. 
Trong quá trình thi công ông đề nghị thành lập ban giám sát công trình, huy động con em hai xóm có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật xây dựng và nhờ UBND xã phân công cán bộ giám sát thi công theo dõi theo đúng thiết kế, bản vẽ. Đến năm 2016 cây cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chịu lực theo đường bê tông tải trọng 10 tấn, chiều dài cầu 6 mét, chiều rộng 3,5 mét để giúp bà con hai xóm đi lại chăn thả gia súc, vận chuyển nông sản góp phần phát triển kinh tế của địa phương. 
Cầu Vườn Bộng hoàn thành, bà con 2 xóm và cả thôn Lộc Thọ 1 cũng như nhân dân xã Nhơn Thọ vui mừng, hạnh phúc. Học sinh trong làng vừa đạp xe đạp qua cầu vừa kêu “cầu ông Hai Thành”. 
Việc làm và hành động của ông Thành và gia đình đã được cán bộ và nhân dân thôn, xã ghi nhận và được bình bầu là cá nhân xuất sắc tiêu biểu đi đầu trong thôn về tích cực tuyên truyền, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông hàng năm liên tục được công nhận gia đình văn hóa xuất sắc. Năm 2016, ông được UBND xã Nhơn Thọ và UBND thị xã An Nhơn tặng Giấy khen về phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, được Thị ủy An Nhơn tặng Giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Từ những điển hình tiên tiến như ông Thành mà phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở xã Nhơn Thọ và thị xã An Nhơn đã đạt được những kết quả cao, nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng làm theo. Bộ mặt nông thôn quê hương ông đã thay đổi từ những con đường chưa được bê tông hóa đến nay đã được bê tông hóa, đường làng, ngõ xóm trong thôn không còn đường đất, đặc biệt là chiếc cầu Cầu Vườn Bộng nối liền giữa xóm Thọ Phú Nam và xóm Thọ Phước đã được kiên cố hóa tạo điều kiện để phục vụ dân sinh. Đến cuối năm 2016 xã Nhơn Thọ vinh dự được UBND tỉnh Bình Định công nhận về đích xây dựng nông thôn mới.
Thân Nam
 
 
Ý kiến của bạn