Chiến sỹ tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế trang trại

 2321 lượt xem
Năm 2010, được sự tín nhiệm của cấp trên và bà con nhân dân, ông Trương Đình Thống, xóm Nam Thắng, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phát động trên toàn quốc cũng là năm 2011 xã Nghĩa Long quê hương ông tập trung xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp. 

 Trên cương vị được giao, ông cùng với tập thể Đảng uỷ, HĐND, UBND lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế xây dựng mô hình thí điểm; tăng cường đầu tư khoa học - kỹ thuật thông qua biện pháp tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con nông dân, xem đây là khâu then chốt để tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng năng suất, mạnh dạn đưa các loại giống mới vào sản xuất thử nghiệm trên cánh đồng địa phương. Nhờ đó bộ mặt xã Nghĩa Long có nhiều khởi sắc tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Sau 5 năm nỗ lực, tháng 5/2015 xã Nghĩa Long được UBND Tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ở cương vị Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, ông đã có những quyết định đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành: Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Ông đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân giải tỏa 41,1km đường giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm, đường GTNĐ theo đúng quy hoạch. Tổng số diện tích đất nhân dân đã hiến và giải toả làm các tuyến đường là: 71.039m2; tường rào xây 2.174m; cây cối các loại: 5.615 cây. Tổng cộng nhân dân đã hiến đất, cây cối, ngày công giải tỏa, đóng góp tiền san gạt nền đường, số tiền: 4.127 triệu đồng. (Bốn tỷ một trăm hai mươi bảy triệu đồng).  
Trong 3 năm từ 2012 - 2014, kết hợp các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG về xây dựng NTM, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay đã đổ bê tông được gần 20 km đường GTNT, sửa chữa, nâng cấp đập Đá dựng, đập Làng sang, cứng hóa 6.735m mương bê tông thuộc Chương trình 135 và chương trình xây dựng NTM. Hoàn thành công trình xây dựng nhà văn hóa đa chức năng, khu thể thao của xã. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM đến nay là: 96,7 tỷ đồng. 
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Ông chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trông cây có múi như: chanh trồng xen trong khu dân cư 25ha, cam, quýt 10ha, bưởi 7 ha. Trồng rau sạch 3ha, trồng mía 37ha..... Xây dựng được hai mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và nhiều mô hình trang trại bán công nghiệp, gia trại VAC kết hợp..... Giá trị sản xuất bình quân đầu người theo giá trị tăng thêm năm 2010 là 11.295.000đ; năm 2015 là 17.044.000đ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt: 7,2%; năm 2015 đạt 9,33%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới: năm 2010 có 143 hộ, chiếm tỷ lệ 17,98%; năm 2015 có 91 hộ, chiếm 9,5%. Cả xã đã không còn nhà tạm bợ, dột nát. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Bộ mặt nông thôn mới được thay đổi, tạo niềm tin cho nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Liên tục nhiều năm liền xã Nghĩa Long được UBND tỉnh tặng Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Tháng 5 năm 2015 được Tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM tỉnh Nghệ An và trao danh hiệu công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2010 - 2014 góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  
Cá nhân ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2010, 2011 và năm 2015; UBND Tỉnh tặng nhiều bằng khen và danh hiệu Chủ tịch xã giỏi năm 2014.
Tháng 7/2015, ông Thống được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu theo quy định, tuy nhiên ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội nông dân, dành nhiều thời gian tìm hiểu các phương pháp chăn nuôi kết hợp làm vườn có hiệu quả của các mô hình lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế.
Năm 2006, gia đình ông bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi với tổng số vốn 1 tỷ hai trăm triệu đồng. Thu hoạch 10 ha keo, bạch đàn được 500 triệu đồng, vay vốn ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách là 700 triệu đồng, ông xây dựng 1.200m2 chuồng trại gồm 3 dãy chuồng, nuôi 100 lợn nái đẻ, 500 con lợn thịt và 3 con lợn đực giống. Với mô hình này mỗi năm xuất chuồng được từ 1.000 - 1.200 con lợn thịt, khi xuất chuồng bình quân mỗi con là 95kg x 1.100con = 104.500kg, giá bình quân là 40.000 đ/kg, tổng thu là 5 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, thu lãi từ chăn nuôi lợn từ 500 – 550 triệu đồng/ năm.
Ngoài ra sản phẩm phụ của lợn ông dùng để chăm sóc 3 ha ao cá, cây ăn quả, mỗi năm thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Chăm sóc keo, bạch đàn từ diện dích đất rừng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ trang trại  từ 9 trăm đến 1,2 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng  và lao động thời vụ từ 30 - 50 người.
Năm 2014, ông đầu tư 5,5 ha trồng cây quýt và cam, sau hơn 3 năm áp dụng quy trình tưới cây nhỏ giọt ứng dụng công nghệ cao đã và đang phát triển tốt, mùa thu hoạch đầu tiên sau khi đã trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt ISRAEL ban đầu khá cao, song chi phí đầu vào giảm được 3 lần so với tưới tràn và trong điều kiện thời tiết hạn hán như những năm gần đây, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ này, giúp tiết kiệm 90% công lao động, trên 70% chi phí điện – nước và 30% lượng phân bón, đặc biệt không lo thiếu nước tưới. 
Không chỉ tham gia phát triển kinh tế gia đình, bản thân ông còn tham gia và hoàn thành tốt các công tác xã hội. Ông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp con giống cho 5 hộ gia đình xây dựng mô hình trang trại VAC và một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bản thân ông và gia đình luôn tích cực đóng góp công sức cho xã hội và các loại quỹ phúc lợi tại địa phương cũng như của huyện. 
Từ mô hình trang trại của gia đình ông Thống, đã có nhiều gia đình trong và ngoài xã đến tham quan, học hỏi và xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi. Gia đình ông đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống cho nhiều hộ gia đình, tạo việc làm ổn định, làm giàu chính đáng cho gia đình và cho xã hội. Năm 2010, gia đình ông  đã ủng hộ 50 triệu đồng để xây dựng đường điện hạ thế cho 22 hộ dùng chung, 15 triệu đồng để tu sửa đường giao thông trong xóm, hỗ trợ hộ nghèo ăn tết nguyên đán năm 2010 là 7 triệu, năm 2011 là 300kg cá tươi, năm 2012 là 200kg thịt lợn. Đặc biệt trong 3 năm (2012 - 2014), Nghĩa Long được làm điểm xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hỗ trợ máy múc, máy lu, xe chở đất làm đường trị giá khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra các cuộc vận động ủng hộ gia đình ông đều tích cực hưởng ứng và tham gia đóng góp đầu tiên. 
Năm 2017, ông đã được UBND tỉnh Nghệ An; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và là một trong 63 nông dân xuất sắc năm 2017. Tuấn Minh
 
 
Ý kiến của bạn