Xã Nhơn Lộc “tăng tốc” để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu

 3394 lượt xem
BTĐKT - Năm 2014 xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí. Phát huy những thành quả đã đạt được, bên cạnh việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, từ năm 2015 đến nay xã Nhơn Lộc tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn của xã theo hướng đô thị hóa. Phấn đấu xây dựng xã Nhơn Lộc sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. 

 Rạng rỡ với bộ mặt nông thôn mới 

Nhơn Lộc là một trong 15 đơn vị hành chính cấp xã, nằm về phía Tây của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Toàn xã có 1.228ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp trên 865ha, đất phi nông nghiệp 288ha; xã có 6 thôn, với 2.607 hộ và 9.944 nhân khẩu. Nhơn Lộc là một xã thuần nông, ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển khá, các ngành nghề truyền thống phát triển mạnh như: nấu rượu Bầu Đá, bánh tráng, đan tre,… giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Trung ương phát động, xã Nhơn Lộc được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định chọn là một trong bốn xã điểm để triển khai xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của phong trào này, được sự chỉ đạo của Thị ủy và căn cứ Quyết định số 764/QĐ-CTUBND ngày 16/5/2013 của Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn về việc phê duyệt Đề án xây dựng xã nông thôn mới xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định giai đoạn 2012 – 2015, Đảng bộ, chính quyền xã Nhơn Lộc xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong công tác xây dựng nông thôn mới Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong việc tham gia để xây dựng nông thôn mới mà không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
 Một góc nông thôn mới xã Nhơn Lộc
 
Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, đánh giá thực trạng các tiêu chí vào tháng 9 năm 2011, xã đạt 08/19 tiêu chí, nhưng với sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và toàn dân, xã Nhơn Lộc đã đầu tư mạnh mẽ, đề ra nhiều kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực như phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị… phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2015. 
Phát huy nội lực sẵn có và từ sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời của cấp trên, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới khang trang, sạch đẹp, nông nghiệp và nông thôn ngày càng được đổi mới và nâng cao hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được cải thiện đáng kể… Kinh tế xã Nhơn Lộc vì thế phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến cuối năm 2014,  tỷ trọng ngành nông nghiệp đạt 46,6%, tiểu thủ công nghiệp đạt 27,9% và thương mại dịch vụ đạt 10,2%; sản lượng lương thực đạt 8.786 tấn; thu nhập bình quân đầu người 26,3 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách địa phương 19,832 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12%; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 94,2%. 
Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới của xã là 88,090 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 9,908 tỷ đồng, chiếm 11,25%; ngân sách tỉnh hỗ trợ 11,842 tỷ đồng, chiếm 13,45%; ngân sách thị xã hỗ trợ 7,526 tỷ đồng, chiếm 8,55%; ngân sách xã đầu tư 12,212 tỷ đồng, chiếm 13,86%; kinh phí nhân dân đóng góp là 5,438 tỷ đồng, chiếm 6,17%; vốn vay 24,024 tỷ đồng, chiếm 27,27% và vốn doanh nghiệp phối hợp đầu tư 17,140 tỷ đồng, chiếm 19,45%. Đến cuối năm 2014 xã Nhơn Lộc đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí, về đích trước một năm so với kế hoạch đề ra, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 4175/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và được UBND thị xã An Nhơn khen thưởng một công trình trị giá 1,5 tỷ đồng theo Quyết định số 2289/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của UBND thị xã An Nhơn.
Bộ mặt nông thôn của xã đã đổi thay đáng kể, nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Bên cạnh những con đường mới được nâng cấp, mở rộng, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, tô thêm mảng màu tươi sáng của địa phương. Mô hình thắp sáng làng quê được thực hiện và duy trì, sinh hoạt của người dân có nhiều thuận lợi, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt hơn, không còn tình trạng gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản như trước. Bộ máy chính quyền ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mới, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tăng tốc để cán đích nông thôn mới kiểu mẫu
Phát huy những thành quả đã đạt được, bên cạnh việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, từ năm 2015 đến nay xã Nhơn Lộc tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn của xã theo hướng đô thị hóa; phấn đấu xây dựng xã Nhơn Lộc trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. 
Các lĩnh vực mà xã đang tập trung đầu tư , xây dựng như: giao thông, thủy lợi, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân... Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2015 - 2017 thực hiện 24,117 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh hỗ trợ 3,905 tỷ đồng, ngân sách thị xã hỗ trợ 1,089 tỷ đồng, ngân sách xã đầu tư 18,141 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 981 triệu đồng. 
Trên lĩnh vực giao thông, từ năm 2015 đến năm 2017, xã Nhơn Lộc đã tiếp tục đầu tư kinh phí để bê tông hóa 52 tuyến đường ngõ hẻm, nội xóm, nội đồng với chiều dài trên 12km, nâng tổng số được bê tông hóa lên 22,5km. Ngoài ra, tiếp tục cứng hóa các tuyến đường còn lại để đủ điều kiện bê tông hóa cho những năm tiếp theo. Đáng chú ý trên lĩnh vực này có 144 hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường, với diện tích 3.626 m2 (trong đó đất vườn nhà 1.626 m2, đất ruộng giao quyền 2.000 m2), tương đương với số tiền nhân dân tự nguyện đóng góp là 127 triệu đồng.
Trên lĩnh vực thủy lợi, xã tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh nội đồng do xã quản lý. Do đó, từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã thực hiện bê tông kênh mương với chiều dài trên 2km, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới đến nay 18/18km, đạt 100%. Tổng kinh phí thực hiện ở giai đoạn này là 1,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương đảm bảo 924 triệu đồng, đạt 65,53%.
Trên lĩnh vực chỉnh trang bộ mặt nông thôn, xã tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục cải thiện hơn nữa bộ mặt nông thôn của xã. Từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương, các công trình được xây dựng hoàn thành như: Nhà làm việc Ban Chỉ huy Quân sự xã, kinh phí đầu tư 2 tỷ 430 triệu đồng; Công viên trung tâm xã, kinh phí đầu tư 4,2 tỷ đồng; nâng cấp các hạng mục của Nghĩa trang Liệt sĩ xã, kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng nền đường, xây dựng hệ thống thoát nước thải và bó vỉa 4 tuyến đường trung tâm xã, với chiều dài gần 3,1km. Tổng nguồn vốn đầu tư để chỉnh trang bộ mặt nông thôn của xã trong giai đoạn này trên 16,4 tỷ đồng. 
Trên lĩnh vực nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 865ha, trong đó diện tích sản xuất lúa là 660ha, số diện tích còn lại dùng để trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cỏ chăn nuôi. Hai HTXNN trên địa bàn xã đã duy trì, mở rộng có hiệu quả 5 cánh đồng mẫu lớn, với diện tích 370ha để chuyên sản xuất lúa giống kết hợp với Tổ Hợp tác sản xuất lúa giống thôn Đông Lâm với diện tích trên 60 ha, do đó năng suất, sản lượng lúa giống ở các mô hình này tăng đột biến, tăng trung bình từ 7 – 10 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình. Lượng giống xuất bán trung bình gần 1.500 tấn/năm, nông dân thu lợi nhuận gần 3,5 tỷ đồng. 
Trong chăn nuôi, xã chú trọng duy trì và phát triển mạnh về số lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra ở đàn gia súc và gia cầm. UBND xã đã đứng ra bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất và tín chấp từ Quỹ Tín dụng nhân dân Nhơn Lộc để nhân dân được vay vốn phát triển sản xuất, tái đàn hoặc nuôi mới. Tổng nguồn vốn nhân dân được vay trên 10 tỷ đồng, trong đó xã đã hỗ trợ 250 triệu đồng lãi suất cho nông dân. Duy trì 4 nhóm chăn nuôi bò cùng sở thích, thu hút gần 100 hộ dân tham gia. Sản phẩm thịt xuất bán cao, nhân dân thu được lợi nhuận đáng kể.
Đối với 03 làng nghề truyền thống trên địa bàn xã là rượu Bàu Đá (Cù Lâm), tráng bánh (Trường Cửu), đan lát (Đông Lâm) cũng được địa phương hết sức quan tâm. Cũng bằng hình thức tín chấp, hỗ trợ lãi suất để nhân dân được vay vốn, nhân dân các làng nghề có điều kiện để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhà chế biến sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu sản phẩm từng đước được khẳng định.
Có thể nói với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời của địa phương, do đó đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, tăng so với thời điểm cuối năm 2014 là 8,7 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình 12,7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp tăng bình quân 7,95%, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 15,8%,  thương mại – dịch vụ tăng bình quân 17,5%; đời sống của người dân có sự thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức 4,5%. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần nhân dân. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; giữ vững phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 100%; 4/4 trường học tiếp tục duy trì chuẩn Quốc gia. Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng được quan tâm đúng mức… Đến nay, xã tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 85%; tỷ suất sinh giảm còn 0,4%o/năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 11,4%. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo người có công, các đối tượng chính sách và giải quyết việc làm,... nhất là tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực…
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, xã Nhơn Lộc vinh dự được Trung ương khen thưởng xứng đáng như: Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2012, 2013, 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về chuyên đề xây dựng nông thôn mới; Huân chương Lao động Hạng Nhất giai đoạn 2010 – 2014.
Huyền Trang
 
        
 
 
Ý kiến của bạn