Gương sáng nhà khoa học nữ với nhiều ứng dụng thực tiễn

 2405 lượt xem
BTĐKT – Ứng dụng được các nghiên cứu khoa học vào trong thực tiễn cuộc sống là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay. 

TS. Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được vinh danh là Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 vì những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu nano. 

Dung dịch nano bạc do TS. Trần Thị Ngọc Dung và nhóm nghiên cứu chế tạo có chất lượng cao, kích thước đều, ổn định, có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính khử khuẩn rất mạnh, và còn có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định. Sản phẩm đã được nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người như: E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii, Streptococcus, Vibrio cholerae, Enterococcus feacalis, N. Gonorrhoeae, Candida albicans... Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, Bệnh viện Da liễu Trung ương... cho thấy sản phẩm được chế tạo có thể tiêu diệt tất cả các đối tượng vi sinh vật ở trên. Từ đó, sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công nhiều lĩnh vực và sản phẩm khác nhau. 
 
TS. Trần Thị Ngọc Dung
 
Các nghiên cứu của TS. Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn vào các sản phẩm thiết thân và có khả năng thương mại hóa các sản phẩm này trên thị trường. Trong đó có thể kể đến: Băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành; bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình; băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già; khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường; dung dịch vệ sinh phụ nữ.
Công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp Hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định nano bạc đã được cấp Bằng độc quyền Sáng chế đã gắn tên tuổi của Tiến sĩ với công nghệ tiên tiến này. 
Ở Việt Nam, những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng lên. Nhiều gương mặt nhà khoa học nữ được phát hiện và tôn vinh, động viên, khích lệ. Nghiên cứu khoa học đang dần trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả trong tầng lớp nữ giới.
Tuy vậy, thực tế cũng chỉ ra rằng, nghiên cứu khoa học là một trong những lĩnh vực đòi hỏi sự cống hiến về thời gian, sự chuyên tâm và niềm đam mê sâu sắc. Là phụ nữ, hành trình ấy đặc biệt vất vả, khó nhọc hơn bởi họ còn phải hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Chị Trần Thị Ngọc Dung cũng không ngoại lệ.
Nhưng chị Dung vẫn quyết tâm dành thời gian cho lĩnh vực này. Chị cho biết: “Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.”
Cũng như tấm gương của TS. Trần Thị Ngọc Dung, vượt lên trên tất cả, bằng đam mê, cùng sự tiếp sức của gia đình, xã hội, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già. 
Một trong những nghiên cứu nổi bật của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoài phải kể đến là nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pako Vân Kiều ở miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy  hoá, diệt tế bào ung thư. Nghiên cứu này đã tìm ra được 2 cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa tốt. Đây là những dược liệu quý của đồng bào dân tộc, được kiên trì thu thập, phân tích và sàng lọc để chứng minh thành phần khoa học cũng như đặc tính sinh học của cây thuốc, tạo nên tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hóa.
 
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài nhận học hàm Phó Giáo sư khi mới 35 tuổi, đến nay đã chủ nhiệm 1 đề tài NAFOSTED, 1 đề tài cấp Bộ Y tế, 4 Đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều đề tài cấp cơ sở khác. Đặc biệt, chị là tác giả và đồng tác giả của 20 bài báo quốc tế, 4 báo cáo tại Hội nghị quốc tế và 60 bài báo khoa học trong nước.
Trên cương vị nhà giáo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài hiện là Trưởng khoa Dược đại học Y Dược Huế, đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh, 13 đề tài cao học, giảng dạy góp phần đào tạo nguồn nhân lực và truyền lửa cho thế hệ trẻ trong hơn 17 năm qua.
Chị Hoài chia sẻ: Thời gian là thứ không bao giờ quay lại được nên phải dành nó để thực hiện  những mơ ước, đam mê của mình. Đam mê của tôi chính là nghiên cứu khoa học.
 
Thục Anh
 
 
 
 
 
 
 
Ý kiến của bạn