Bức tranh nông thôn mới ở Thanh Thủy

 2868 lượt xem
Thanh Thủy là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 65km về phía Tây, cách Việt Trì trung tâm tỉnh Phú Thọ 50km. Với vị trí địa lý là cửa ngõ nối liền các tỉnh phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, Thanh Thủy là bộ phận không thể tách rời trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Phú Thọ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Thọ với Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc. 

 Xác định được tầm quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua huyện Thanh Thủy đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, huy động cả hệ thống chính trị và phát huy nội lực của địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng NTM. Nhờ vậy sau 7 năm triển khai thực hiện, Thanh Thủy đã có nhiều khởi sắc trong xây dựng NTM.

  Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
 
Năm 2010, Thanh Thủy bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với rất nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt thu nhập của người dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; số lao động chưa có việc làm và chưa có trình độ còn nhiều; đường giao thông được cứng hóa và bê tông hóa còn ít… Đến nay huyện đã khắc phục mọi khó khăn, vươn lên là huyện đứng thứ 2 của tỉnh với 6/9 tiêu chí đã đạt của huyện NTM. Để có được kết quả trên, những năm qua huyện đã ban hành các văn bản, nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; huy động và tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong xây dựng NTM… Từ đó người dân đã tích cực tham gia theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước cho chủ trương, nhân dân thực hiện và giám sát”. Nhờ vậy, các xã cán đích NTM của huyện ngày càng nhanh, các chỉ tiêu đạt được ngày càng được nâng cao về chất lượng. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn huyện có thêm 4 xã đạt, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 11 xã và 1 xã cơ bản đạt.
Ông Nguyễn Kim Lợi ở khu 1, xã Bảo Yên cho biết: “Bản thân khi nắm được thông tin thực hiện xây dựng NTM của xã theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tôi nhận thấy nhiều tiêu chí có ý nghĩa thiết thực với người dân. Vì vậy tôi và gia đình đã tham gia ủng hộ 80 triệu đồng cùng xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng NTM. Đến nay xã tôi đã hoàn thiện 19 tiêu chí, diện mạo khu vực xã được nâng lên rất nhiều. Không chỉ riêng xã Bảo Yên mà các xã khác từ đường giao thông, trường học, trạm y tế, môi trường, chợ nông thôn,… được đầu tư hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế và nhu cầu học tập của con em quê hương”.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo khu vực trung tâm huyện Thanh Thủy đến khu dân cư đã có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, đường giao thông nông thôn được xây dựng tạo điều kiện đi lại, giao lưu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình là Phượng Mao, từ 1 xã 135 - xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành xã đạt chuẩn NTM, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh trật tự được giữ vững.
Ông Bùi Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Phượng Mao chia sẻ: “Cùng với các địa phương khác, khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhận thức của người dân thấp, tiềm năng kinh tế cũng hạn hẹp. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, triển khai lồng ghép nhiều biện pháp để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, vươn lên trở thành xã NTM. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện và chờ UBND tỉnh thẩm định, quyết định công nhận. Không ngủ quên trên thành tích, chúng tôi vẫn tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong việc duy trì các tiêu chí đã đạt của xã NTM, nhất là chỉ tiêu về bảo hiểm y tế; góp phần để công tác xây dựng NTM tại địa phương được bền vững…”.
Sau 7 năm thực hiện, với sự tham gia đóng góp của người dân cùng nguồn lực đầu tư khác, đến hết năm 2016 Thanh Thủy huy động cho xây dựng NTM đạt trên 1.100 tỷ đồng. Đến nay, Thanh Thủy đã đạt 6/9 tiêu chí và 11/14 chỉ tiêu của huyện NTM; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 27 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%; thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện gần 129 tỷ đồng...
Ông Khổng Danh Đạt - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Thanh Thủy khẳng định: “Trong 9 tiêu chí của huyện NTM, Thanh Thủy đã đạt 6 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt. Trong đó tiêu chí quy hoạch vùng huyện thì hiện nay UBND huyện đã xây dựng xong đề cương nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gửi Sở Xây dựng thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Tiêu chí giao thông đã đạt 1/2 chỉ tiêu, còn chỉ tiêu tỷ lệ đường huyện đạt chuẩn theo quy định mới đã đạt 95% yêu cầu, huyện còn 2,8km đường cần được cứng hóa, sẽ được huy động nguồn lực để thực hiện. Tiêu chí cuối cùng là y tế - văn hóa - giáo dục đã đạt 2/3 chỉ tiêu, còn chỉ tiêu 5.2 (về Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện chưa đạt chuẩn) thì hiện nay Dự án Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch, hạ tầng sân vận động trung tâm huyện đang thi công xây dựng, khối lượng ước đạt trên 20%. Huyện đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Dự kiến kết thúc năm 2018 dự án sẽ hoàn thành, phấn đấu đến cuối năm 2018, huyện được công nhận huyện NTM (sớm trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã đề ra)”.
Bằng sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của huyện và những giải pháp cụ thể, tin tưởng rằng Thanh Thủy sẽ trở thành huyện NTM thứ 2 của tỉnh Phú Thọ theo đúng lộ trình đã đề ra./.
Thanh Mai
 
 
 
Ý kiến của bạn