BTĐKT- Từ kinh nghiệm của bản thân, Đặng Thị Ngọc Ánh, Bí thư Chi đoàn Thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã giúp đỡ hơn 30 đoàn viên thanh niên trong thôn tự tin khởi nghiệp. Những trang trại rau củ, trang trại chăn nuôi, mô hình vườn – ao – chuồng của các đoàn viên, thanh niên thôn Nghi Lộc đã đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh tế - xã hội của xã Sơn Công nói riêng, huyện Ứng Hòa nói chung.
Đặng Thị Ngọc Ánh là một trong 8 Bí thư Chi đoàn xuất sắc vừa được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương đợt 26/3. Cô gái 27 tuổi có gần 10 năm hoạt động đoàn cho biết, đó là niềm vinh dự lớn, cũng là động lực để em tiếp tục gắn bó và dành nhiệt huyết cho công tác này.
Đặng Thị Ngọc Ánh, Bí thư Chi đoàn Thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa,
TP Hà Nội
Tham gia hoạt động đoàn từ ngày còn học tại trường Cao đẳng Phát triển Nông thôn Bắc Bộ rồi tiếp tục học liên thông tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, trở về quê hương, Ánh nhanh chóng bắt nhịp với các hoạt động của đoàn thanh niên thôn Nghi Lộc. Nhanh nhẹn, hoạt bát, năm 2012, Ánh được đề bạt giữ chức Bí thư chi đoàn thôn. Cũng trong năm này, Ánh kết hôn với Phó Bí thư Chi đoàn thôn, người đã nhiệt tình dẫn dắt em vào các hoạt động đoàn tại thôn năm nào.
Lập gia đình, kinh tế gặp khó khăn, vợ chồng Ánh nghĩ đến việc đầu tư sản xuất, song không có nguồn vốn. Biết đến chương trình hỗ trợ vốn của ngân hàng chính sách xã hội, Ánh mạnh dạn đứng ra xin Đoàn xã Sơn Công hỗ trợ Chi đoàn thôn Nghi Lộc lập tổ vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế cho thanh niên. Năm 2014, với số vốn ban đầu được hỗ trợ là 40 triệu đồng, vợ chồng Ánh mở trang trại chăn nuôi thú y và bán thuốc thú y tại nhà, đem lại mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Thấy Ánh mở trang trại thành công, một số đoàn viên đã đến tận nhà xin hỗ trợ ý tưởng. Nhiều năm hoạt động đoàn, Ánh hiểu rằng, khi kinh tế còn chưa đảm bảo thì chẳng ai có tâm trí tham gia các phong trào. Chỉ có giúp đỡ đoàn viên phát triển kinh tế tại địa phương thì mới đẩy mạnh các phong trào hoạt động đoàn, từ đó góp phần phát triển quê hương. Vậy là cô Bí thư Chi đoàn thôn quyết tâm xắn tay áo cùng đoàn viên thanh niên thôn khởi nghiệp. Từ kinh nghiệm của bản thân trong vay vốn, Ánh tận tình giúp đỡ các đoàn viên có nhu cầu tiếp cận vốn vay, tuyên truyền, giúp các đoàn viên nhận thức đúng về nguồn vốn, về hướng phát triển để việc khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên Chi đoàn đi đúng hướng… Nhờ những kiến thức về chăn nuôi học được tại trường và những kinh nghiệm trong quá trình vận hành trang trại gia đình, Ánh đã hỗ trợ tốt công tác phòng chống bệnh tật và tăng trưởng cho cây trồng vật nuôi tại các trang trại trên địa bàn thôn.
“Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách xã hội, các đoàn viên Chi đoàn trong quá trình phát triển sản xuất gặp khó khăn còn được hỗ trợ thêm vốn từ các đoàn viên khác. Ngoài ra, Chi đoàn thôn cũng đề nghị Đoàn xã hỗ trợ thêm một phần kinh tế cho các đoàn viên. Từ năm 2012 đến nay, Chi đoàn thôn Nghi Lộc đã tuyên truyền, vận động thu hút được hơn 30 đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần đóng góp vào sự khởi sắc của kinh tế huyện” – Ánh cho biết.
Với mức hỗ trợ ban đầu 40 triệu đồng/ người, đến nay, số tiền hỗ trợ, tư vấn vay vốn cho đoàn viên, thanh niên của chi đoàn được giải ngân đã lên tới con số hơn 1 tỷ đồng. Sau khi được hỗ trợ vốn, các đoàn viên Chi đoàn thôn Nghi Lộc đã mở các trang trại chăn nuôi, trồng rau quả, thu nhập từ các mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế hơn 10 triệu/ tháng cho mỗi đoàn viên, thanh niên. Song theo Bí thư Chi đoàn thôn Nghi Lộc, hiệu quả đáng ghi nhận là phong trào vay vốn khởi nghiệp là đã thu hút được các đoàn viên của thôn phát triển kinh tế tại nhà, không phải đi làm ăn xa. Hiện nhiều đoàn viên thanh niên đang có ý tưởng đầu tư lớn theo mô hình trang trại chăn nuôi dồn điền đổi thửa của huyện.
Sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nông sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều bấp bênh, Ánh cho biết, có những giai đoạn giá thị trường xuống thấp, mô hình chăn nuôi gặp khó khăn, nhiều đoàn viên phải ngừng sản xuất để giữ lại số vốn, nhiều đoàn viên đã nghĩ đến việc đi làm ăn xa, song nhờ sự tuyên truyền hỗ trợ của Huyện đoàn và Đoàn xã, tạm thời các đoàn viên đã quay lại sản xuất ổn định.
5 năm gắn bó với vị trí Bí thư Chi đoàn thôn Nghi Lộc, đồng hành cùng với các đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất, Ánh hiểu rõ những khó khăn vướng mắc của thanh niên nông thôn trong khởi nghiệp. Ánh mong muốn ngân hàng chính sách xã hội sẽ có nhiều hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên, các cấp chính quyền tuyên truyền hỗ trợ hơn nữa để các đoàn viên nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề phát triển sản xuất ở địa phương mình.
“Hiện nay, số vốn hỗ trợ đoàn viên chỉ từ 30-50 triệu/ người, nếu muốn phát triển rộng hơn, các đoàn viên phải có tài sản thế chấp, hoặc phải xây xong trang trại mới được thế chấp vay vốn, việc này phần nào gây khó khăn cho những thanh niên nông thôn vốn đi lên từ bàn tay trắng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, có như vậy mới đẩy mạnh được phong trào khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên hiện nay” – Ánh chia sẻ.
Lâm Thao