BTĐKT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung với công nghệ cao”. Đây bước đi quan trọng để đưa khu vực nông thôn của tỉnh sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong những năm qua, nền nông nghiệp của Quảng Ninh đã có sự bứt phá quan trọng, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành tăng khả quan theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Tuy chiếm tỷ trọng GDP không lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông nghiệp đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50% dân cư khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả toàn diện, tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện đời sống của nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.
Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành các vùng lúa chất lượng cao tại Đông Triều với 5.500ha, Quảng Yên hơn 5.000ha… Đặc biệt, các vùng cây ăn quả tập trung đã tăng nhanh về diện tích và sản lượng với hơn 3.900ha với các loại cây trồng chính như: Nhãn, vải, na, cam Canh, bưởi Diễn… Riêng diện tích vải chín sớm đạt hơn 400ha cho năng suất hơn 29 tạ/ha. Cây na dai với diện tích hiện có 1.216,5ha, tập trung chủ yếu ở Đông Triều với vùng na dai chất lượng cao tại các xã Việt Dân, Tân Việt, An Sinh, Bình Khê với sản lượng hơn 10.760 tấn. Diện tích cây chè trong toàn tỉnh hiện có hơn 1.200ha, trong đó diện tích chè kinh doanh trên 1.000ha tập trung cho năng suất 67,6 tạ/ha. Cùng với đó là các vùng rau, hoa Quảng Yên trên 400ha; Hạ Long 50ha; Hoành Bồ hơn 50ha; vùng trồng cây dong giềng gần 200ha ở Bình Liêu; vùng trồng ba kích ở Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên với diện tích hàng trăm ha…
Trong chăn nuôi, bước đầu đã hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung với 26 trang trại quy mô từ 1.000 lợn thịt và lợn nái/1 trang trại trở lên. Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, diện tích nuôi trồng thuỷ sản luôn đạt trên 20.600ha và gần 8.000 ô, lồng. Diện tích nuôi thuỷ sản theo hướng công nghiệp, nuôi theo quy trình VietGAP ngày một mở rộng gắn với vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực của địa phương, có giá trị kinh tế cao như: Tôm chân trắng, cá rô phi, tu hài, hàu thái bình dương, cá song, cua biển.
Nuôi cá lồng bè bằng ống nhựa HDPE tại Vân Đồn
Cùng với đó, Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó trọng tâm là xây dựng và triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, các Nghị quyết của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển trang trại. Cùng với đó, “4 nhà” cùng vào cuộc, người nông dân thực sự làm chủ trên mảnh đất của mình, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, từng bước khẳng định thương hiệu của nông sản Quảng Ninh. Các nhà máy chế biến nông, lâm sản đã đồng hành cùng người nông dân, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh cây trồng, chất lượng sản phẩm hàng hóa không ngừng nâng cao.
Năm 2015, toàn tỉnh có 80 dự án (gồm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phương thức sản xuất) đã được phê duyệt thực hiện: Ba Chẽ 27 dự án; Bình Liêu 09 dự án; Đầm Hà 04 dự án; Tiên Yên 22 dự án; Hoành Bồ 04 dự án; Uông Bí 06 dự án; Quảng Yên 03 dự án; Đông Triều 02 dự án; Móng Cái 03 dự án. Tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ đạt trên 55 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 55 dự án đã thực hiện phê duyệt, (trong đó 49 dự án phương thức sản xuất và 04 dự án chương trình OCOP). Tổng vốn phê duyệt trên 50 tỷ đồng.
Quảng Ninh khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã xác định: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung với công nghệ cao. Trong đó trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phát triển trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3-5%.
Tỉnh Quảng Ninh xác định, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế biển, chuyển dịch từ trồng trọt sang chăn nuôi; lấy doanh nghiệp là nhân tố chính, tạo sức lan toả và liên kết với người dân, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, tăng cường xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đầu tư những trung tâm sản xuất giống thuỷ sản, nông nghiệp, chăn nuôi chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu cho phát triển hàng hoá.
Để thực hiện tốt định hướng phát triển nông nghiệp, thời gian tới Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Có cơ chế hỗ trợ tối đa nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các đề án sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô, cơ cấu sản phẩm hợp lý để phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất đai, ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng đất để sản xuất hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi có lợi thế, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp; Tái cấu trúc hợp tác xã nông nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...
Với những giải pháp đã đề ra cùng với những chính sách mà tỉnh Quảng Ninh đã ban hành là hết sức thông thoáng, cởi mở. Đây cũng chính là đòn bẩy, cơ hội lớn để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dám đột phá trong sản xuất chăn nuôi; biến những cánh đồng, khu chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún thành những cánh đồng lớn, quy mô sản xuất mang tính hàng hoá, tập trung, chuyên canh cao.
Thu Thủy