BTĐKT - Nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất với quy mô tập trung, ông Nguyễn Văn Vàng (sinh năm 1960), thôn Trên, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã trở thành một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Huyện Thanh Oai có hơn 16.000 giáo dân, sinh sống ở 6 giáo xứ, 32 họ đạo tại 17/21 xã, thị trấn, chiếm 8,9% dân số toàn huyện.
Trong những năm qua, đồng bào Công giáo trong huyện Thanh Oai luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Từ phong trào xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, với những sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện với chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Vàng là một tấm gương điển hình như thế.
Ông Nguyễn Văn Vàng bên trang trại của mình
Sống trong gia đình có 7 anh chị em, ông Vàng lại là con trai một. Niềm đam mê lao động đã nhen nhóm trong ông từ khi còn tấm bé.
“Người ta nói con một vác cột đi chơi, thế nhưng tôi chỉ có làm thôi, mẹ tôi còn hay nói vui, bảo rằng nuôi tôi bằng nuôi bao nhiêu người, vì mọi việc trong gia đình là tôi làm hết” - ông Vàng chia sẻ.
Học hết lớp 3, ông Vàng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. 13 tuổi ông đã lam lũ, làm đủ việc, từ mò cua, bắt ốc, đi tát ruộng, làm đất thuê rồi đi chăn vịt thuê ở tận Việt Trì, Phú Thọ.
Siêng năng, chịu khó, ông tích góp được một khoản vốn nho nhỏ rồi đầu tư nuôi lợn, nuôi vịt. Có thể nói, khởi đầu của ông tương đối thuận lợi vì ngọn lửa đam mê làm giàu trong ông thôi thúc, bản thân lại có xuất phát điểm là được tham gia làm kinh tế với bố mẹ từ bé, nên công việc chăn nuôi rất thân thuộc với ông.
20 tuổi, ông Vàng đã có một số vốn riêng và nghĩ đến chuyện lập gia đình để ổn định cuộc sống. Ông tự hào vì khi cưới vợ, bố mẹ ông không phải lo lắng kinh tế cho ông.
Từ năm 1980 – 1983, vợ chồng ông Vàng quyết định đầu tư nuôi 17 con ngựa, vừa nuôi để lấy sức kéo, có ai gọi ông lại đi chở thuê. Thấy ông suốt ngày chỉ biết đến lao động, mẹ và vợ ông mới khuyên tham gia hoạt động xã hội thêm thời gian nghỉ ngơi.
Thời gian này, vợ chồng ông Vàng quyết định thầu khu đất gần nhà, đầu tư xây dựng trang trại vườn, ao, chuồng với diện tích gần 2 héc - ta. Đến nay, trang trại của ông chăn nuôi gần 1000 con ngan, 1800 vịt đẻ, 43 gà mái đẻ, 40 đôi chim câu, gần 2 héc - ta thả cá và 5 sào ruộng. Trừ chi phí, hàng năm gia đình ông thu lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm.
Vợ chồng ông Vàng còn đầu tư mua 2 máy làm đất, 1 máy tuốt lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa vụ, thu được khoảng 35 triệu/ 1 vụ.
Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng là vợ chồng ông Vàng lại bắt đầu ngày mới, ông thì thu hoạch trứng, bà thì đi thả lưới để đánh cá rồi mang thành phẩm ra chợ bán.
Bên cạnh việc thi đua phát triển kinh tế, ông Vàng là một trong những giáo dân tiêu biểu tham gia nhiều hoạt động từ thiện bác ái, ủng hộ quỹ vì người nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, ông đóng góp từ 3 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi và nhiều ngày công lao động.
Trong hội nghị biểu dương các gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện hay cấp thành phố, ông Vàng đều được tôn vinh là một trong những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi và là gia đình có thu nhập cao.
Năm 2018, ông vinh dự là một trong những điển hình tiêu biểu được biểu dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; tổng kết phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2018; biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc 3 năm liền (2015, 2016, 2017) trên địa bàn huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Cường Nguyễn