Để Thủ đô luôn là địa phương dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới

 1423 lượt xem
BTĐKT – Tính đến nay, Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM với 285/386 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 73,8%); 4 huyện đạt chuẩn NTM là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức. 

 Có được những thành tựu đó là nhờ công lớn của những nông dân mới trong nhận thức, tư duy và có sức sáng tạo trong cách triển khai xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Chỉ tay về phía những vạt đất sỏi, chị Nguyễn Thị Hoàn, thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết:  Người dân ở đây chẳng bao giờ “được” cấy lúa, trồng ngô bởi đây là vùng đồi gò, đất mối, phải rất khó khăn mới trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả nên cuộc sống người Lâm Trường nhiều năm lay lắt với đói nghèo. 

Năm 2013, trên hành trình thử nghiệm các giống cây mới, một vài hộ dân trong thôn đã tìm kiếm được một loại cây mới là thanh long ruột đỏ. “Bước đầu tiên tuy bỡ ngỡ, vất vả nhưng chúng tôi không nản trí, tích lũy “vốn” kiến thức giắt lưng qua những lần đi tham quan thực tế, các buổi tập huấn, cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng rồi vừa làm vừa học hỏi rút kinh nghiệm.

 Lứa thu hoạch đầu tiên, cả gia đình đều vui mừng khi nhìn 500 cây thanh long đều tăm tắp quả, cho thu nhập gấp đôi trồng vải. So với vải, mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch và chín rộ trong hai tháng thì thanh long đỏ lại cho thu hoạch từ 7 - 8 đợt mỗi năm nên quanh năm nhà nông có thu nhập. Đầu ra ổn định vì chất lượng quả thanh long đỏ tốt, thơm ngọt hơn so với thanh long trắng” – chị Hoàn phấn khởi. 

Khi đã “chắc ăn” với diện tích trồng thanh long đỏ, chị Hoàn mới mạnh dạn xen canh thêm cam canh để tăng thêm nguồn cung. Loại quả này dễ bán, lại thu hoạch chính vụ trong mùa đông xuân nên nhu cầu thị trường lớn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Số lượng 500 gốc cam trĩu trịt hàng tấn quả của gia đình chị cũng luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. 

Hiện ở Lâm Trường có hàng chục hộ nông dân cũng chuyển đổi từ trồng vải sang trồng thanh long ruột đỏ, có nhà xen canh thêm bưởi diễn, nuôi ong… cho thu nhập bình quân từ 100 – 300 triệu đồng/hộ gia đình/năm. 

Đất đã không phụ công người, cuộc sống của người dân xã NTM Lâm Trường khấm khá hơn. 

Rời vùng đất cằn Minh Phú, chúng tôi ngược lên phía Nam TP thăm những cánh đồng rau húng quế - loại rau gia vị quen thuộc được trồng trên vùng đất trũng ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên. Người dân ví đây như cánh đồng "hoa Oải hương - Lavender" với sắc tím ngắt một màu phủ bạt ngàn. 

Trong căn phòng được “ướp” bằng mùi thơm nhẹ của tinh dầu húng quế, chị Nguyễn Thị Hiền – một trong những hộ trồng rau húng quế đầu tiên của Hồng Thái kể lại, ở vùng đồng trũng này, trồng lúa, trồng màu đều khó nên chị bàn với chồng chuyển đổi cây trồng và tìm ra cây húng quế. Tuy nhiên, loại cây gia vị này nếu chỉ bán để sử dụng như một loại rau thì chủ túc tắc nên sau một thời gian tìm hiểu thị trường và công nghệ, chị Hiền đã tìm ra một ngách mới. Đó sơ chế, chiết xuất rau húng quế thành tinh dầu để bán,  vừa có giá trị kinh tế lớn vừa có đầu ra ổn định. 

Thay đổi cung cách sản xuất, nhà nông sẽ vất vả hơn, theo chị Hiền, để chiết xuất được tinh dầu, đòi hỏi phải chăm sóc, phòng bệnh cho rau cẩn thận và chọn thời điểm “vàng” thu hoạch. Chi phí đầu tư cho sào trồng rau húng quế chỉ khoảng 200 nghìn đồng/vụ nhưng nhà nông phải nắm được kỹ thuật chiết xuất, đầu tư dụng cụ với giá hàng chục triệu đồng. Bù lại, thành phẩm có giá hơn, được thị trường thu mua 700.000đ/cân. Mỗi một ha húng quế nhà nông có thể thu được 50 triệu đồng.

“Hiện nay, nhiều hộ gia đình cũng thấy được hiệu quả từ trồng rau húng quế nên cũng bắt đầu học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng trong thời gian tới” – ông Phạm Văn Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã kể. 

Nông thôn mới thành công rất cần có những người nông dân có ý chí, sẵn sàng đón nhận và làm chủ các công nghệ, chủ động tìm tòi, học hỏi dám để biến những mảnh đất cằn cỗi thành những thửa “ruộng vàng” nở hoa.

Việt Hưng

 

 

 
Ý kiến của bạn