BTĐKT – Mới đây, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018.
Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2018); kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2018) và chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
Nghiêm túc trong xét chọn Giải thưởng
“Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” là phần thưởng cao quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam được xét, trao tặng 5 năm một lần cho công nhân, lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc tiêu biểu nhất trong lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tích cực đào tạo, kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ.
Trong 10 năm triển khai thực hiện, với 2 lần xét chọn và trao tặng (lần thứ I năm 2008 và lần thứ II năm 2013), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tôn vinh 239 công nhân, lao động tiêu biểu, xuất sắc. Giải thưởng đã tạo động lực mạnh mẽ, khích lệ đội ngũ công nhân trong cả nước hăng say lao động, sản xuất, say mê sáng tạo, góp phần đưa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” lên tầm cao mới cả bề rộng và chiều sâu.
Kể từ khi phát động, đến hết tháng 5/2018, Hội đồng xét chọn đã nhận được tổng số 186 hồ sơ của 50/63 (chiếm 79,3%) LĐLĐ tỉnh, thành phố và 17/20 (chiếm 85%) Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018 cho các cá nhân tiêu biểu
Tổng số đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của các cá nhân đạt giải thưởng là 781 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật (31 đề tài, 750 sáng kiến) với tổng giá trị làm lợi trên 74.000 tỷ đồng và có 59 lượt cá nhân được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn.
Tuy nhiên, thực tế là đa số những công nhân, lao động tham gia xét chọn Giải thưởng là những cá nhân có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến làm lợi nhưng chưa tự viết được báo cáo hoặc kê khai cụ thể giá trị làm lợi của đề tài.
Để lựa chọn ra 70 công nhân, lao động xuất sắc tiêu biểu nhất nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Ban tổ chức đã quy định rõ hơn đối tượng (công nhân trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất) và nâng cao hơn tiêu chí, tiêu chuẩn xét chọn, trao tặng Giải thưởng so với 2 lần trước (điểm chấm chủ yếu dành cho sáng kiến, sáng tạo đem lại giá trị làm lợi cao).
Đồng thời, bộ phận thường trực thi đua, khen thưởng các cấp công đoàn phải tích cực, chủ động hơn trong hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, lao động viết báo cáo thành tích và kê khai sáng kiến.
Lựa chọn ra 70 gương mặt tiêu biểu nhất
Tại buổi lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh cho 70 gương mặt tiêu biểu xuất sắc nhất, đại diện cho hơn 10 triệu công nhân, viên chức, lao động cả nước đang ngày đêm lao động, cống hiến cho đất nước.
Họ là những công nhân, kỹ thuật viên đang trực tiếp lao động sản xuất, trong các loại hình doanh nghiệp. Dù ở các lĩnh vực công tác khác nhau, có trình độ học vấn, có tay nghề và điều kiện làm việc khác nhau, song họ có một điểm chung là trình độ chuyên môn tay nghề vững vàng, say mê lao động sáng tạo, mẫu mực trong đạo đức và lối sống, có tinh thần lạc quan, luôn biết vượt qua những khó khăn của bản thân, của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Đồng thời, họ luôn luôn khát khao tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Họ thực sự đã trở thành những người thầy, người anh trong tổ, đội, phân xưởng giúp doanh nghiệp đào tạo, dìu dắt đội ngũ công nhân, lao động trẻ nắm vững tay nghề, kỹ thuật làm việc hiệu quả, nhanh chóng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, thể hiện được tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt lên những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ được giao.
“70 cá nhân đạt Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 là 70 bông hoa đẹp trong rừng hoa người tốt, việc tốt của giai cấp công nhân Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” - Đồng chí Bùi Văn Cường Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Buổi lễ cũng gặp gỡ, giao lưu với 3 nhân vật tiêu biểu, có nhiều thành tích trong lao động sản xuất là: Anh Nguyễn Hữu Tùng, kỹ sư xưởng đo lường - tự động hóa Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí; chị Dương Hồng Loan, Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Long An; anh Nguyễn Xuân Hải, kỹ sư điện, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, TP Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận và biểu dương 70 cá nhân vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này; đồng thời mong rằng anh, chị, em được nhận giải thưởng tiếp tục phát huy nhiệt huyết và sự năng động, sáng tạo trong lao động, tạo ra nhiều sáng kiến, sáng tạo có hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước. Những tấm gương công nhân, lao động tiêu biểu được trao giải thưởng hôm nay sẽ lan tỏa sâu rộng để mỗi công nhân học tập noi theo, phấn đấu trở thành những công nhân lành nghề có kiến thức, kỹ năng và lối sống đẹp, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh đến vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có tiềm lực về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu tại buổi lễ
Đồng chí đề nghị, thời gian tới: Các cấp ủy Đảng và tổ chức công đoàn cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đồng thời tập trung đào tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công nhân lao động. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để mỗi công nhân thực sự vừa là người giỏi nghề, thạo việc, vừa gương mẫu về đạo đức, lối sống và ngày càng có nhiều hơn nữa công nhân ưu tú được vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.
Các cấp công đoàn cần tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nêu gương, nhân rộng điển hình; kịp thời tuyên dương, khen thưởng, tạo điều kiện thuận lợi để các điển hình công nhân, lao động được trao giải tiếp tục phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và đất nước.
Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí để giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công nhân lao động.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cần chủ động hơn phối hợp giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của công nhân lao động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chât, tinh thần của công nhân và gia đình họ; xây dựng tốt mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Hiền Anh