BTĐKT - Ngày 28/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tới dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn…
Tới dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí là Thường trực, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư và nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước và nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố... cùng các đồng chí lão thành Cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, công dân Thủ đô ưu tú…
Nghị quyết số 15 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội khóa 12 ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2008. Sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, bên cạnh những yếu tố, điều kiện thuận lợi, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nhanh chóng hoàn thành một khối lượng công việc lớn để phát triển Thủ đô.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô
Trong 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần).
Không gian kinh tế được mở rộng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008. Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định.
Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 6 năm liền kể từ năm 2012; năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước tới nay. Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,03 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hàng năm 15,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút từ 1986 - 2015.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, phát triển toàn diện. Bản sắc văn hoá truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hoá xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hoá đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác, nhiều di sản văn hoá đã được UNESCO vinh danh; thành phố Hà Nội - biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh.
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao cũng như chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Đến nay, đã có 16 trường được công nhận chất lượng cao. Trong 10 năm, đã xây mới 434 trường, có thêm 943 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 62%. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục trung học phổ thông; là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học.
Thành phố cũng ưu tiên nguồn lực, tập trung xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả nổi bật, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2017, đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; đời sống nông dân được cải thiện, thu nhập bình quân tính đến 30/6/2018 đạt 43,1 triệu đồng/người, gấp 4,5 lần so với 2008.
Chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Thành phố đã rà soát, ban hành nhiều văn bản, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% năm 2008 đến nay còn 1,69%. Hiện nay, Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống. Không có hộ chính sách thuộc diện nghèo. Là đơn vị đầu tiên trong cả nước, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo vào cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững. Quan hệ đối ngoại của Thủ đô được mở rộng và tăng cường, đi vào thực chất, vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao.
Với những thành tích nổi bật đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (lần ba) năm 2010, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2018, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội.
Việt Hưng