“Vua” dược liệu ở Quyết Tiến

 1523 lượt xem
BTĐKT –Đến xã Quyết Tiến, huyện Quảng Bạ, nơi cửa ngõ của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) hỏi anh Vàng Thìn Nghì ai cũng biết. Nhìn ra cánh đồng đương quy xanh tốt sắp đến ngày thu hoạch, người dân ở đây bảo, anh Vàng Thìn Nghì là chủ nhân của cánh đồng ấy. 

 Cánh đồng với 15 ha trồng đương quy, sau 16 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi vụ dự kiến anh thu về trên 2 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí anh lãi 700 triệu đồng/năm.

Sinh năm 1979, là người dân tộc Bố Y, năm 2000 anh Nghì làm công nhân tại Trung tâm giống cây trồng Phố Bảng, Đồng Văn, lúc này Viện Dược liệu đưa một số giống cây trồng lên Phố Bảng anh Nghì ấn tượng với một loại cây mang tên gọi đương quy có mùi thơm dịu và khi ăn thì ngọt mát. Nghe giới thiệu của cán bộ Viện Dược liệu anh được biết đây là loại cây dùng để chữa các bệnh về thiếu máu và trong thành phần có chứa tinh dầu, mùi vị rất thơm ngon, đương quy còn được sử dụng trong chế biến các món ăn hằng ngày, vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa có tác dụng chữa bệnh. Qua tìm hiểu và quan sát thực tế anh nhận thấy người dân vẫn thường mua đương quy đã sấy khô từ Trung Quốc về để sử dụng. Chính điều đó đã thôi thúc chàng trai người Bố Y quyết tâm trồng đương quy ngay tại mảnh đất quê hương mình.
 
Anh Vàng Thìn Nghì (bên trái) mong muốn sẽ sớm xây dựng được nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu
 
Vừa làm việc tại Trung tâm anh Nghì vừa học hỏi các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Năm 2010 anh bắt tay vào trồng tại vườn của gia đình. Hợp khí hậu, hợp thổ nhưỡng những luống đương quy lên xanh tốt.  Khi thu hoạch anh mang ra chợ tại Quyết Tiến bán người dân mua khá đông, số tiền bán đương quy đợt đầu anh thu được đã nhiều hơn so với những vụ anh trồng ngô, trồng lúa, điều đó khiến anh tự tin hơn với lựa chọn của mình.
Năm 2014 anh mạnh dạn chuyển đổi 3h đất nông nghiệp sang trồng cây dược liệu. Để nhiều người có cơ hội được sử dụng đương quy anh lặn lội đến những điểm dừng chân của khách du lịch ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng… mỗi dịp như vậy anh Nghì không chỉ bán được hàng mà còn quảng bá được sản phẩm của mình đến với nhiều người hơn. Sau mỗi chuyến đi, khách đặt hàng đương quy ngày một nhiều. “Giá bán củ đương quy cao hơn trồng ngô, sắn nhiều mà có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu nên tôi về bàn với vợ con mở rộng diện tích”. Anh Nghì nhớ lại.
Năm 2016 anh mạnh dạn vay 500 triệu theo Nghị quyết 209 của tỉnh Hà Giang để đầu tư trông 10ha đương quy. Năm 2017 anh tiếp tục mở rộng thuê đất, liên kết mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 15 ha, tạo việc làm cho 66 lao động thường xuyên và khoảng 300 lao động thời vụ chủ yếu là người dân trong thôn, trong xã, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Sau hơn 10 năm trồng cây dược liệu, nhờ chịu khó học hỏi, nghiên cứu, anh Nghì đã tự tạo ra được nguồn giống tại chỗ, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài. Tuy chưa kết nối được với doanh nghiệp lớn nhưng sản phẩm dược liệu của anh đến nay đã được người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến.
Từ sự thành công của bản thân, anh và và gia đình thường xuyên tham gia tuyên truyền, vận động người thân, trong gia đình, bạn bè, hàng xóm thay đổi cách nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhiều năm qua anh không ngại đến từng nhà, hướng dẫn người dân cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ giúp các hộ gia đình có nhu cầu chuyển sang trồng cây dược liệu về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và vốn ưu đãi anh là người đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm dược liệu cho các hộ gia đình.
Anh đã vận động được 5 gia đình tham gia trồng đương quy. Năm 2018 anh thành lập hợp tác xã Y học bản địa Quyết Tiến gồm 5 thành viên do anh Nghì làm chủ nhiệm. Anh chia sẻ: Trồng dược liệu cho thu nhập cao gấp 8 lần so với trồng ngô, trồng lúa. Tuy nhiên hiện nay đương quy được thu mua chủ yếu là đương quy tươi với giá bán từ 30 đến 50 nghìn/kg. Nếu sấy khô thì mức giá bán dao động 150 nghìn/kg. Tuy nhiên để có được đương quy dạng sấy thì cần phải có một nhà máy sơ chế, chế biến hiện đại với 12 bước. Vì vậy ngoài bán sản phẩm thô, anh Nghì ấp ủ dự định mở rộng diện tích hướng đến việc xây dựng dây chuyền sơ chế, chế biến sản phẩm. “Nếu so sánh giá bán đương quy tươi và đương quy sấy khô thì có sự chênh lệch rất lớn. Người dân mình làm ra sản phẩm nhưng lại bán với giá rất rẻ, người mua thì vẫn phải mua với giá cao do chi phí để sơ chế, chế biến lớn. Tôi mong muốn có nhà máy sơ chế, chế biến ngay tại xã để ai ai cũng được mua dược liệu chất lượng tốt, với giá phù hợp”. Anh Nghì tâm sự.
Trong nhiều hội nghị của tỉnh, anh đã đề xuất với tỉnh về việc tạo điều kiện xây dựng khu sơ chế ngay tại vùng sản xuất dược liệu của địa phương nhưng do nhiều yếu tố đề xuất này chưa được thực hiện. Anh mong muốn tỉnh Hà Giang cũng như huyện Quản Bạ sẽ có thêm những chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cây dược liệu ở Quyết Tiến.
“Nếu có một nhà máy sơ chế, chế biến cây dược liệu thì việc mở rộng diện tích cây dược liệu tại Quyết Tiến hoàn toàn có thể làm được. Đó sẽ là cơ hội tốt để nhiều hộ dân thay đổi cuộc sống.”  Anh Nghì khẳng định.
Với những nỗ lực của bản thân anh Vàng Thìn Nghì nhận được nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Cuối tháng 5 năm 2018, anh Vàng Thìn Nghì là 1 trong 48 cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tháng 6 vừa qua anh vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức tại Hà Nội.
Huyền Anh
 
 
 
Ý kiến của bạn