Chàng thanh niên nông thôn làm giàu từ nuôi trùn quế

 1141 lượt xem
BTĐKT- Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, chàng trai Nguyễn Văn Mạc (xã Tiền Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã tìm ra cho mình con đường đi riêng – làm giàu từ nuôi trùn quế. 

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ khi là học sinh Mạc đã có quyết tâm lập nghiệp để thoát nghèo. Hết lớp 12, anh theo học trung cấp cơ điện tại thành phố Thái Nguyên. Ra trường, Mạc khăn gói về Hà Nội xin việc rồi theo các công trình đi xa. Dù được hưởng mức lương cao và khá ổn định nhưng vốn yêu thích ngành công an, bộ đội nên Mạc quyết định xung phong lên đường nhập ngũ. 

Gần hai năm ở môi trường quân đội đã giúp Mạc rèn bản lĩnh và nhất là đức tính kiên trì. Cũng chính môi trường ấy đã cho anh cơ hội biết đến con trùn quế (giun quế) thông qua mô hình trang trại của một Thủ trưởng đơn vị sắp về hưu. “Từ lâu mình đã có khát vọng lập nghiệp trên chính quê hương. Vì thế, khi biết đến mô hình nuôi trùn quế của Thủ trưởng mình vui lắm nên đã đến xin thăm quan, học hỏi. Thức ăn của trùn quế chủ yếu là phân gia súc, gia cầm mà những nguyên liệu này ở địa phương mình rất sẵn. Nếu thành công mình không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa phương” – Mạc chia sẻ.
Năm 2011, Mạc ra quân. Đây cũng là lúc anh quyết tâm mang trùn quế về xã Tiền Phong nuôi. Với số tiền ít ỏi dành dụm được khi ở trong quân ngũ, Mạc đầu tư làm chuồng trại và mua 10kg trùn quế với giá 500 nghìn đồng về nuôi. Để có thức ăn cho trùn anh sẵn sàng đạp xe khắp xã nhặt và xin phân. Thấy con trai duy nhất trong gia đình làm việc chẳng giống ai, mẹ Mạc phản đối ra mặt. Tuy nhiên, bố lại âm thầm ủng hộ anh. Sự  ủng hộ của bố giúp anh có thêm động lực đương đầu với những khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. 
 
Anh Nguyễn Văn Mạc tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ III
 
10kg trùn quế của Mạc không bị xóa xổ nhưng nuôi đến 6 - 7 tháng chúng vẫn phát triển rất chậm. Anh lo lắng gọi điện khắp nơi hỏi nhưng đều nhận được những câu trả lời mập mờ. Công nghệ thông tin không có Mạc chỉ biết dựa vào sách báo và quá trình quan sát của bản thân. 
Nhiều đêm không ngủ, cuối cùng Mạc đã tìm ra cho mình phương pháp nuôi trùn quế riêng. Làm tốt được khâu nuôi trùn quế cũng là lúc anh phát triển đàn gà của gia đình. Vì vậy, trong năm đầu tiên, Mạc thu được gần 50 triệu đồng. Thành công đầu tiên trở thành động lực để anh đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp  với mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín, chủ yếu nuôi, trồng bằng giun quế với diện tích 6.000m2. Anh nuôi 1000 con gà, 2.000 m2 ao cá, 100m2 nuôi ngan, vịt, 200m2 nuôi lợn, bò, trồng 300 cây ăn quả. 
Không dừng lại ở đó, với vốn kiến thức về cơ điện sẵn có anh còn  tự nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh máy ấp trứng gia cầm. Mỗi năm, anh bán ra thị trường địa phương được trên 100 chiếc. Hiện nay, quy mô trang trại của anh có diện  6.000m2, doanh thu bình quân hàng năm đạt 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu về gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 3,5-4 triệu/người/tháng. 
Ngoài ra, Mạc còn giúp các hộ nghèo, nhất là những thanh niên trong độ tuổi lao động, để họ không phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai mà có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Với vai trò là Bí thư chi đoàn xã Tiên Phong,  anh  đã đi thăm và trao đổi với một số hộ nghèo trong xã để tìm hiểu lí do vì sao họ mãi nghèo và ước mơ hoài bão của họ là gì? Họ có ý chí và nghị lực muốn vươn lên thoát nghèo hay không?  “Mình là một người con của xã Tiền Phong. Mình yêu quê hương. Chính điều đó đã thôi thúc mình phải hành động để giúp đỡ các hộ nghèo khác để họ có cuộc sống tốt hơn” – anh Mạc tâm sự. 
Sau đó anh thực hiện chương trình tặng trùn quế cho người nghèo. Mỗi hộ nghèo sẽ được nhận 5kg sinh khối trùn quế giống đạt chuẩn chất lượng (trị giá 150.000đ). Đích thân anh hướng dẫn tư vấn cho họ để nuôi và phát triển con trùn quế đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, Mạc còn ghép cây ăn quả miễn phí với những giống cây ăn quả tốt nhất mà anh đang sở hữu như: chanh không hạt, chanh tứ mùa, chanh đào, bưởi diễn.
Theo anh Mạc, khi các hộ nghèo nuôi trùn quế sẽ là nguồn thức ăn rất tốt cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, họ còn có thể tận dụng phế thải trong chăn nuôi, tạo ra phân hữu cơ trồng rau sạch cho gia đình.  Với việc tổ chức tư vấn kỹ thuật miễn phí cho bà con nhân dân, hướng dẫn giúp đỡ đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín; nuôi, trồng bằng giun quế, anh Mạc đã giúp đỡ nhiều thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, hiện nay toàn xã Tiền Phong đã triển khai được trên 5.000 m2 nuôi giun quế.
“Góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp là mong muốn lớn nhất của mình. Mình cố gắng thực hiện điều đó và lan tỏa đến nhiều đoàn viên, thanh niên khác” – anh Mạc cho biết.
Với những nỗ lực của mình, anh Mạc đã được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của (năm 2017). 
Ngân Hoàng
 
 
 
 
 
Ý kiến của bạn