THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP TỪ NÔNG NGHIỆP XANH, AN TOÀN NHỜ ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

 1295 lượt xem
Thực trạng canh tác nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng hiện nay cho thấy, đại đa số nông dân vẫn sản xuất theo lối canh tác truyền thống, với các hộ riêng biệt nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất thủ công, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, thụ động trong sản xuất và tiêu thụ, rủi do cao do phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thị trường. 

 Quá trình sản xuất thường cho ra các sản phẩm có chất lượng kém, không ổn định,  giá trị hàng hóa thấp, và đặc biệt là vấn đề kiểm soát quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hầu như là con số không, Dẫn đến sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác vì rủi do cao, chạy theo lợi nhuận và cũng là để bảo vệ miếng cơm manh áo của mình, nông dân thường tự ý sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất thậm chí cả chất cấm để bảo vệ cây trồng sai quy trình, trái quy định,  thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe xã hội. Nhận thức được điều đó, anh Nguyễn Minh Tài  xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công, Thái Nguyên xin nghỉ việc ở Công ty Hạt giống với mức lương khá chuyển sang xây dựng mô hình trang trại nông nghiệp sạch  đã khiến gia đình sửng sốt, thậm chí cho là điên rồ.

Sinh năm 1991, sau khi tốt nghiệp Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2013, anh cùng với một số sinh viên mới tốt nghiệp của trường được tuyển cử đi Israel thực tập theo hình thức vừa học, vừa làm và được học nhiều về kỹ thuật chăm sóc các loại rau, củ, quả như ớt, cà tím, hành tây, dưa hấu…  với mô hình sản xuất của họ chuyên nghiệp, với trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tại Israel,  nông dân rất chăm chỉ, làm việc có tính toán, chấp nhận đầu tư, làm bất cứ gì, họ đều học trước kỹ thuật, tìm hiểu khả năng tiêu thụ sản phẩm, đầu tư đúng quy trình từ trồng tới tiêu thụ, chú trọng nhất khâu phòng bệnh chứ không phải mua cây, con giống về rồi mới học, mới tìm hiểu quy trình và thị trường.

Từ đó, qua nghiên cứu, tham khảo và thử nghiệm trong hai năm, anh thấy phương án xây dựng nhà lưới có ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cung cấp chất dinh dưỡng tự động sẽ giải quyết được các vấn đề rau, quả sạch - đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất cấp bách của xã hội hiện nay. Canh tác nhà lưới sẽ hạn chế được nhiều sâu hại cây trồng, hạn chế sử dụng và kiểm soát được dư lượng thuốc  bảo vệ thực vật, cây trồng trên đất sạch sau xử lý hoặc giá thể trồng rau đảm bảo yếu tố sạch, an toàn, hạn chế được tác động của thời tiết, loại bỏ tới 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp chất dinh dưỡng tự động theo tiến độ sinh trưởng phát triển của cây nên kiểm soát hoàn toàn dư lượng phân bón trong cây, cây phát triển khỏe, năng suất chất lượng cao. Từ đó, anh quyết định đầu tư nhà lưới trồng “rau quả an toàn” với sản phẩm là các loại rau và dưa lưới chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trên khu đất 4.300m2 nhờ áp dụng công nghệ cao, với diện tích nhà lưới  4.000m2; một năm sản xuất  2 vụ dưa lưới, 1 vụ cà chua hoặc rau sạch, anh và gia đình đã thu hoạch được 20 tấn dưa lưới, dưa vàng sạch; 5 tấn rau hoặc cà chua sạch/năm; với tổng doanh thu 600 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí mang lại lợi nhuận 250 triệu đồng. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 2 - 4 thanh niên, việc làm thời vụ cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 3,5 - 4,5 triệu đồng.

Không chỉ dám nghĩ dám làm, đưa công nghệ cao vào sản xuất rau quả an toàn, anh Tài còn tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương. Với vai trò là  Bí thư đoàn xã, anh Tài luôn nhiệt tình, năng động và là một đảng viên trẻ gương mẫu, anh luôn mang theo kinh nghiệm và cả khát vọng làm giàu của tuổi trẻ để truyền đạt tới đoàn viên thanh niên địa phương tham gia phát triển kinh tế, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Không như mọi người nghĩ, khi ứng dụng các tiến bộ khoa học của các nước như Isarel, Nhật,... tuy tiên tiến nhưng không quá phức tạp, thanh niên có thể nhanh chóng nắm bắt kiến thức về sản xuất nông nghiệp với chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích không cao, có thể tự đầu tư hoặc liên kết với nhau để đầu tư phát triển mô hình sản xuất cho sản phẩm rau quả an toàn, đảm bảo VSATTP, đáp ứng mong mỏi của người dân, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân. 

Anh mong muốn từ mô hình nông nghiệp xanh áp dụng công nghệ cao của mình sẽ tạo ý thức cho người dân nhất là  học sinh, sinh viên, nông dân,... về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với ý chí vươn lên, anh mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ để mở rộng sản xuất với diện tích lớn hơn, có nhiều chủng loại cây trồng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cao hơn để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất cũng như công lao động, tiến tới tự động hóa một số công đoạn trong sản xuất. Từ đó, nhân rộng mô hình sản xuất đến với nhiều đoàn viên thanh niên, nhất là những người trẻ, nông dân thế hệ mới phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và phát triển thành vùng nông nghiệp công nghệ cao tập trung tại địa bàn xã Vinh Sơn.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và đưa các giống dưa mới vào sản xuất; năm 2017, anh Tài đã được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen và Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của. 

Được sự động viên khích lệ của các cấp chính quyền, đoàn thể, đầu năm 2018 anh Tài đã mạnh dạn đưa giống dưa lai lê và măng tây vào sản xuất với diện tích lên đến gần 7.000m2 cho kết quả tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Minh Vũ

 
Ý kiến của bạn