Hà Tĩnh: Tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật về công tác Thi đua, khen thưởng

 750 lượt xem
 

 

Chiều 23/9/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV về chuyên đề “công tác thi đua, khen thưởng” và lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Cùng dự có các vị ĐBQH đoàn Hà Tĩnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban và Trưởng các Phòng của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; lãnh đạo và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng một số sở, ngành, đơn vị; lãnh đạo UBND và cán bộ chuyên trách làm công tác Thi đua, khen thưởng các huyện, thành phố, thị xã và lãnh đạo một số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, đã có 15 ý kiến phát biểu đóng góp ý kiến sửa đổi Luật, các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, trách nhiệm sâu sắc, tập trung vào đánh giá kết quả các phong trào thi đua của tỉnh, các ngành, các địa phương và trực tiếp góp ý vào các nội dung dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà; Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Nguyễn Văn Hùng cùng chủ trì hội nghị

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia: chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 đến 23/11, chia thành 2 đợt: đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 3/11; đợt 2, Quốc hội họp tập trung từ ngày 8/11 đến 23/11 (linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh Covid 19).

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004; Luật đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2013. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Trong quá trình thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng cũng có những tồn tại, hạn chế. Qua đây, các cử tri cũng đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, khắc phục những tồn tại, hạn chế để Luật phù hợp hơn với thực tiễn, tránh quy định chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường cho rằng: "Sáng kiến kinh nghiệm” cần được xem xét, đăng ký bản quyền và xem xét để khen thưởng nếu áp dụng hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Bá Hà cho rằng: Đề tài khoa học/sáng kiến kinh nghiệm là cần thiết nhưng cần nâng cao chất lượng thẩm định, tránh thành tích, không có giá trị vận dụng thực tiễn.

Các đại biểu cho rằng: Dự án Luật đã bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua, hệ thống hình thức khen thưởng; Luật đã bổ sung được danh hiệu thi đua chung cho cấp xã, phường, thị trấn và cấp thôn, chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Về tiêu chuẩn tặng các danh hiệu thi đua, các đại biểu đề xuất nên quy định gắn với kết quả đánh giá, xếp loại của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ; tại điểm d Khoản 1 Điều 25 không nên quy định “không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên” vì các danh hiệu thi đua đều có quy định chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Cẩm Thạch: việc bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tặng cho thanh niên xung phong tham gia kháng chiến là cần thiết nhằm động viên kịp thời cho đối tượng này

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Đức Tới cho rằng: Luật nên quy định thống nhất thẩm quyền khen thưởng giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng cấp với Đảng, Nhà nước, đoàn thể

Các đại biểu cũng đã đóng góp tích cực các ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thẩm quyền, trách nhiệm phát động thi đua; nội dung thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, địa phương trực thuộc Trung ương quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; công tác cải cách thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở cấp trung ương; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng..., các ý kiến góp ý sẽ được gửi tới cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra các đại biểu còn đề xuất: Dự án Luật cần bổ sung quy định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp… Việc khen thưởng đột xuất cấp Nhà nước nên chỉ tặng Huân chương Lao động hạng Ba, không nên tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; cần bổ sung truy tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân đối với các nhà giáo, thầy thuốc có quá trình cống hiến, đóng góp đối với ngành.

                     Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia kết luận hội nghị

Kết luận tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, phân loại đầy đủ nội dung gửi đến ban soạn thảo và phân công đại biểu phát biểu, kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội tới.

                                                                                                                         Tin và ảnh: Nguyễn Văn Hoài

 
Ý kiến của bạn