Lão nông chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng

 1066 lượt xem
Lão nông Thào Dìn đến từ thôn Cốc Phương, xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước các cấp chính quyền hỗ trợ giống, vốn, vật tư, kỹ thuật, nên kinh tế gia đình đã được cải thiện từng bước đáng kể. Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bản thân ông và gia đình trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi để cải thiện cuộc sống và phấn đấu vươn lên làm giầu ngay tại mảnh đất quê hương của mình. 

 Năm 1990, gia đình ông đã sử dụng đất vườn trồng thử nghiệm cây chuối, cây dứa, bước đầu đã đem lại thu nhập cho gia đình, mỗi năm đạt hàng chục triệu đồng đã được bà con nhân dân trong thôn, xã học hỏi kinh nghiệm và đã đạt hiệu quả đáng kể được các cấp các ngành và lãnh đạo UBND các cấp thăm quan, học hỏi.

Thành công bước đầu song ông nghĩ nghĩ trồng cây dứa không thể kéo dài lâu được vì thị trường tiêu thụ khó khăn, đất đai chóng bạc màu, ông và gia đình lại trăn trở suy nghĩ chuyển đổi giống cây khác cho phù hợp với thời gian thu hoạch dài hơn. Qua tìm hiểu thị trường và được sự quan tâm, tư vấn của các cấp, các ngành gia đình ông đã quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây chuối là phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của địa bàn khu vực. Từ đó gia đình quyết tâm chọn hướng trồng cây chuối với diện tích ban đầu là 2 ha từ năm 2005. 

Để thực hiện định hướng đã chọn ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đầu tư mua phân bón, tìm hiểu thêm về kỹ thuật, cộng thêm nghị lực quyết tâm của gia đình. Năm 2005 lứa quả đầu tiên gia đình đã thu được 100 - 120 triệu là một trong những hộ đầu tiên ở khu vực Na Lốc, xã Bản Lầu huyện Mường Khương có mô hình trồng cây chuối gắn với sản xuất nông nghiệp. Gia đình ông đã mạnh dạn tự mua giống chuối, dứa để trồng và bán cho các hộ gia đình trong thôn, ngoài thôn trong xã. 

 

Hình ảnh thu hoạch chuối của gia đình ông Dìn

 

Để làm giàu, ông Dìn đã quyết định thuê đất của bà con để mở rộng diện tích cây chuối, trung bình 1ha đất mỗi năm ông phải trả trên 20 triệu đồng cho chủ đất. Có đất rồi, lại tập trung vào cải tạo đất với đủ các loại phân bón để cây chuối cho năng suất cao, quả đẹp. Trung bình 1ha đất thuê ban đầu, ông phải bỏ vài chục triệu đồng để đầu tư cải tạo, bón các loại phân đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây chuối phát triển. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông đã đầu tư làm đường để ôtô có thể đến tận nương chuối vận chuyển. Nếu chở bằng xe máy xuống đường chính, chuối hay bị giập, chất lượng giảm sút và bán không được giá; có đường ôtô, chuối được sơ chế, đóng gói, hút chân không ngay tại nương, dùng ôtô vận chuyển để xuất khẩu, tiêu thụ nội địa sẽ được giá hơn. Với diện tích đất tự có và đất thuê lên tới 17ha nên ông phải thuê thêm 24 lao động địa phương làm công ăn lương để chăm sóc vườn chuối, dứa với mức lương hàng tháng hơn 4 triệu đồng/người. Để đầu tư 1ha chuối từ giống, phân bón, công chăm sóc đến lúc thu hoạch ông nhẩm tính khoảng gần 100 triệu đồng. Theo suy nghĩ mộc mạc của ông thì trồng cây chuối, cũng như chăm sóc con lợn, gà nếu không chăm sóc tốt thì sẽ không cho năng suất cao. Tích lũy kinh nghiệm, chỉ nhìn cây chuối phát triển ông có thể biết cần phải bón thêm loại phân nào để đạt hiệu quả cao hoặc chuối bị bệnh phải tìm hiểu cách chữa bệnh cho nó thì mới đạt hiệu quả… Kể từ đó, nhân dân trong bản không lo cây chuối bị bệnh nữa vì hễ chuối bị bệnh là ông ấy lại tìm tòi các loại thuốc để chạy chữa, phòng trừ sâu bệnh. Không chỉ chữa bệnh cho chuối ở nương của nhà mình mà ông còn mách nước cho bà con cả bản cùng làm để cây chuối khỏe cho quả to, đạt hiệu quả kinh tế. Để chuối có mẫu mã đẹp, khi chuối ra buồng được gần 1 tháng, thì ông  đầu tư túi nilon để bọc quả, tránh sâu bệnh hại, tránh sương muối, nắng táp làm xấu mã...

Từ mô hình kinh tế trên đã đem lại hiệu quả thu nhập cho gia đình, kinh tế từng bước phát triển bền vững, vươn lên làm giàu. Với kết quả đã đạt được hàng năm ông luôn vận động, giúp đỡ các hộ nghèo cây giống, đồng thời trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho trên 25 hộ về giống, vốn, kỹ thuật, công lao động trị giá trên 35 triệu đồng. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, với tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống, tích cực ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa… và cho 7 hộ nghèo vay 40 triệu đồng không lấy lãi trong 4 năm, đến nay các hộ nghèo được gia đình ông giúp đỡ đã thoát nghèo và hiện tại trên địa bàn thôn không có hộ nghèo.

Với sự cố gắng, nỗ lực vươn lên và sự giúp đỡ cộng đồng của mình, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2017 bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017.

Linh Lê

 

 

 
Ý kiến của bạn