Hộ anh Đặng Phúc Quảng, người dân tộc Dao ở thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn) có thu nhập tương đối cao từ việc canh tác trên đất dốc ở thôn. Ngoài việc là một điển hình trong phát triển kinh tế anh luôn được bà con chòm xóm yêu quý bởi tính nết hiền lành, chịu thương chịu khó.
Tìm gặp anh tại vườn chuối tây lưng chừng đèo (đoạn đèo trên đường từ thôn Nà Nguộc (Cao Kỳ) sang Bản Cháo (Yên Cư). Bóng anh Quảng thấp thoáng sau những bụi chuối dưới triền dốc, nghe tiếng có người gọi nhưng phải đợi đến mười năm phút mới thấy anh xuất hiện với hai buồng chuối tây to trên hai vai. Nụ cười hiền, làn da rám nắng, đôi bàn tay chai sạn vì cầm dao, cầm cuốc... là ấn tượng ban đầu của tôi về anh.
Anh Quảng tâm sự: Trước đây bà con trong thôn nghèo lắm. Từ ngày hạ sơn định canh, định cư ở Nà Nguộc cuộc sống của bà con bản Dao chúng tôi đã đỡ vất vả hơn nhiều. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, định hướng cho bà con làm ăn kinh tế đến nay đã có đủ cái ăn, cái mặc, con cái được học hành đầy đủ Bà con phấn khởi lắm.
Cây chuối tây mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Quảng.
Được biết, gia đình anh có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 1.000m2 ruộng, do đó nếu chỉ dựa vào ruộng nước gia đình sẽ không đủ ăn. Nhận thức được giá trị kinh tế đồi rừng, hàng năm anh đã tích cực mở rộng diện tích trồng rừng. Qua việc trồng rừng anh trồng xen canh được 10 kg ngô giống/1 năm, ngoài ra anh còn trồng hơn 1 ha mơ, vụ mơ vừa rồi đã bắt đầu cho thu hoạch trên 3 tấn quả. Ba năm trước đây anh trồng được 1 ha chuối tây, đến nay trung bình mỗi ngày anh thu từ 10 đến 15 buồng chuối mang về thu nhập trên dưới 200.000đồng/ngày. Ngoài ra anh còn tận thu thân và lá chuối để nuôi lợn, bò...
Có thể nói, nhờ chịu thương chịu khó, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của đồi, rừng anh Quảng đã từ một hộ nghèo vươn lên làm giàu. Anh đã áp dụng thành công phương pháp lấy ngắn nuôi dài, anh đưa giống ngô lai vào trồng xen canh với rừng, cộng với sự chăm sóc tốt nên năng suất đạt cao, góp phần tăng thu nhập. Tính tổng thu nhập của gia đình anh Quảng mỗi năm cũng phải thu về trên 100 triệu đồng.
Anh Đặng Phúc Quảng tâm sự tiếp: Mỗi diện tích rừng trồng mới gia đình trồng xen được 2 vụ ngô, vì mỗi năm trồng một ít nên ngay cả việc trồng rừng xen ngô cũng có thể xoay vòng. Năm đến mười năm nữa gia đình tôi đã có những diện tích rừng đến tuổi khai thác, lúc đó lại trồng rừng mới, lại xen canh các cây trồng khác được rồi.
Nhìn những triền dốc được phủ một màu xanh của những cây keo, mỡ đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc, xen vào đó là màu vàng của những bắp ngô đã đến kỳ thu hoạch như hứa hẹn với bà con nơi đây một tương lai tươi sáng, màu xanh của sự hy vọng, màu vàng của sự ấm no, hạnh phúc./.