(BTĐKT)-Chiều ngày 2/12, Ban Chấp hành Chi đoàn Thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức họp thảo luận lấy ý kiến các đoàn viên vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng. Ông Đoàn Trung Dũng, Bí thư Đoàn Thanh niên chủ trì cuộc họp.
Đa số các đoàn viên tán thành nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nhiều đoàn viên cho rằng, đối với danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cần có những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, việc khen thưởng danh hiệu thi đua nên hạn chế các trường hợp bầu chọn thủ trưởng, thay vào đó cần chú ý đến đa số công nhân viên, người lao động trực tiếp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng đã bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Huân chương lao động”, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động.
Mặt khác, một số đoàn viên góp ý chi tiết như: Điều 74. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Điểm b khoản 1: “Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 02 lần được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đề nghị sửa lại: Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Khoản 2: Đối với công nhân, nông dân: Đề nghị bổ sung thêm: “Đạt được một trong những tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này”. Điểm d khoản 2: “Doanh nhân lập được nhiều thành tích, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của huyện và tương đương hoặc của ngành, lĩnh được cấp bộ, cấp tỉnh công nhận”. Đề nghị bỏ điểm này.
Bổ sung thêm khoản 5: “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân, tập thể định cư ở nước ngoài có nhiều thành tích xuất sắc.
Điều 75. Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh. Đề nghị bỏ nội dung: Bộ, ngành, tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh đối với tập thể, cá nhân, gia đình.
Điều 81. Thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, tỉnh; thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị khác. Đề nghị giữ nguyên như Luật cũ.
Điều 85. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng. Khoản 5: Hồ sơ xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được lưu trữ theo quy định của pháp luật tại cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đề nghị bỏ: “tại cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng”. Khoản 6: Cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý công tác thi đua, khen thưởng. Đề nghị bỏ: “về thi đua, khen thưởng”.
Điều 91. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Khoản 2: “Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội”. Đề nghị sửa lại: “Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng là Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Thứ trưởng, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội”...
Hiện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đang tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi tại các địa phương, bộ, ban ngành đoàn thể Trung ương, các cơ quan của Đảng và Quốc hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng dự kiến sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội tháng 10/2020.
Hoài Thanh