Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay” được xếp loại Xuất sắc.

 702 lượt xem
(BTĐKT)- Ngày 31/12/2019, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Viện Khoa học tổ chức nhà nước đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay”  do Đoàn Thanh niên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ thực hiện Đề tài. 

Hội đồng nghiệm thu (Hội đồng) có 07 thành viên do PGS.TS. Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, làm Chủ tịch.
 
  ThS. Đoàn Trung Dũng, thay mặt Nhóm nghiên cứu Đoàn Thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài.
Theo kết quả nghiên cứu, nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, việc so sánh giữa quyền lợi vật chất động viên tinh thần, sức ép về cạnh tranh kinh tế, lợi nhuận đã tác động vào công tác thi đua, khen thưởng, vào con người tham gia thi đua. Trước những thay đổi của đất nước về hội nhập phát triển kinh tế và những tác động thực tế từ việc áp dụng các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng hiện hành, dẫn tới Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành cần có những thay đổi cho phù hợp. 
Thực tế cho thấy, chủ trương, chính sách của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều định hướng cho công tác thi đua, khen thưởng, nhất là việc hướng tới khen thưởng thực chất, khen người lao động trực tiếp (doanh nhân, công nhân, nông dân), khen tập thể, cá nhân có công đóng góp lớn cho sự phát triển chung của xã hội, cộng đồng… Mặt khác cần nghiên cứu để mở rộng khen đối ngoại, đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định, phát triển của Việt Nam, khu vực và có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội.
Thực tế thi hành Luật sửa đổi Luật Thi đua, Khen thương năm 2013 cho đến nay, đã và đang có nhiều vướng mắc trong thực thi và cần có những nghiên cứu chuyên sâu về mặt khoa học cũng như đánh giá các kết quả thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Trước những bất cập đó cần nghiên cứu tình hình thực hiện, áp dụng Luật Thi đua, Khen thưởng trên thực tế để có những nhận định, đánh giá cụ thể, từ đó đề xuất các giải pháp sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng cho phù hợp. Vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng ở nước ta hiện nay” là hết sức cần thiết và có tính thời sự.
Đánh giá kết quả đạt được của Đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Đề tài đã tổng quan được nội dung các công trình nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài có liên quan đến chủ đề của Đề tài và chỉ ra được những kết quả đạt được cũng như những hạn chế của các công trình đó, những vấn đề cần được kế thừa phát triển và những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu trong Đề tài. Tổng quan tình hình nghiên cứu là hợp lý, đảm bảo tính khoa học của những vấn đề cần nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích những quan niệm khác nhau về thi đua, khen thưởng, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra quan niệm của mình về thi đua, khen thưởng; pháp luật về thi đua, khen thưởng và nội dung điều chỉnh của pháp luật về thi đua, khen thưởng; mục tiêu yêu cầu của pháp luật về thi đua, khen thưởng; vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của pháp luật thi đua, khen thưởng. Đồng thời, Nhóm nghiên cứu đã phân tích rõ các yếu tố tác động sửa đổi các quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng.
Ngoài ra, Nhóm nghiên cứu đã phân tích quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng ở nước ta từ năm 2003 tới nay, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, vai trò của pháp luật trong từng giai đoạn, dựa trên cơ sở những vấn đề lý luận về nội dung pháp luật về thi đua, khen thưởng, Nhóm nghiên cứu đã phân tích làm rõ thực trạng pháp luật về thi đua, khen thưởng, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế của pháp luật thi đua, khen thưởng, đồng thời có những đánh giá về thực trạng thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế đó. Từ đó đã luận giải sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật thi đua, khen thưởng và đưa ra mục tiêu, phương châm, nội dung giải pháp hoàn thiện pháp luật và đưa ra 04 giải pháp (nhìn chung các giải pháp có giá trị tham khảo tốt cho việc hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng).
Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên của Hội đồng cũng cho rằng chủ nhiệm Đề tài cần bổ sung và làm rõ một số nội dung như: bổ sung một số nội dung đánh giá các giá trị của các hình thức khen thưởng; đánh giá mô hình tổ chức bộ máy đơn vị làm công tác thi đua khen thưởng, thể hiện trong tổ trình Luật; thể thức, văn phong phải chau chuốt hơn; báo cáo cần thể hiện rõ từng điều, khoản của Luật,…
 
Tập thể tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng.
Kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Thế Thắng đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu. Về cơ bản Đề tài đã thực hiện nghiêm túc, mục đích, nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để bổ sung hoàn thiện các nội dung của Đề tài.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Xuất sắc./.

Gia Linh
 

 
Ý kiến của bạn