Hải Dương là một tỉnh nằm ở Đồng bằng Sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ có nhiều tiềm năng, hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", tỉnh Hải Dương bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, tính đến tháng 9 năm 2019, bình quân mỗi xã đạt 18,16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có 190/220 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 86,3%. Có 3 huyện, thành phố đã hoàn thành về đích nông thôn mới là: thành phố Chí Linh, huyện Kinh Môn và huyện Cẩm Giàng.
Kết quả xây dựng nông thôn mới của Hải Dương đã vượt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giao đoạn 2016-2020. Như vậy là vượt kế hoạch trước hơn 1 năm, theo kế hoạch giao đến cuối năm 2020 tỉnh Hải Dương có 80% trở lên số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 10 năm thực hiện Phong trào thi đua và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với nỗ lực cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh, bộ mặt nông thôn Hải Dương đã đổi mới rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ kết quả của phong trào thi đua đã tạo nét chuyển biến trong nông nghiệp, đời sống nông dân được nâng lên. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp toàn tỉnh. Các cơ chế chính sách được ban hành khá đồng bộ và kịp thời. Nhận thức về chương trình từ các cấp ủy, chính quyền đến người dân được nâng cao.
Công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đồng bộ, kết nối thông suốt từ các tuyến đường thôn, đường xã đến quốc lộ, tỉnh lộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản của các doanh nghiệp, trang trại và nông dân. Hệ thống trường học các cấp được đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cấp, là nền tảng quan trọng để chất lượng giáo dục của tỉnh ngày càng nâng cao. Hệ thống các cơ sở y tế được chú trọng hoàn thiện, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Việc triển khai “Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020” đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp rác thải tập trung trong quá trình đã bị quá tải.
Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì thực hiện việc lấy ý kiến hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đã chủ trì lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của 80 xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới cấp xã đều đạt trên 90%. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cấp huyện tại huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện và thành phố Hải Dương, Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Việc lấy ý kiến của người dân được Ban công tác Mặt trận thôn, khu dân cư lấy trực tiếp tại các hộ gia đình và được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan. Kết quả là trên 98% số hộ được xin ý kiến đều hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong các điều kiện để các huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Chí Linh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới cấp huyện và kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để làm căn cứ đề nghị Trung ương công nhận các huyện Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương, bài học kinh nghiệm đã được rút ra:
Thứ nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người đứng đầu, cùng với sự gương mẫu, tiên phong, nòng cốt của cán bộ, đảng viên.
Thứ hai phải coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và nhân dân trên địa bàn tự giác, hăng hái thi đua, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, vai trò của cán bộ chủ chốt là hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Thứ tư, việc phát huy tốt của vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quyết định đến tính bền vững của kết quả xây dựng nông thôn mới. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong quá trình lấy ý kiến, sự hài lòng của người dân, những vấn đề người dân chưa hài lòng, chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các địa phương đưa ra giải pháp và cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thứ năm, đổi mới các hoạt động thi đua, khen thưởng và nêu gương những điển hình tiên tiến phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Kết hợp tốt thi đua với khen thưởng, bảo đảm giải quyết hài hòa giữa động viên tinh thần với khuyến khích lợi ích vật chất, tạo động lực cho cán bộ và nhân dân hăng hái thi đua xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt để nêu gương học tập và nhân rộng.
Với những kết quả đạt được và những kinh nghiệm đúc kết sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hải Dương có kế hoạch xây dựng nông thôn mới từ năm 2020 sát với điều kiện thực tế. Các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM cần tập trung chỉ đạo và thực hiện xây dựng nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các địa phương cần quan tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kết nối nông thôn với đô thị. Phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh để nâng cao thu nhập cho người dân. Nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; xây dựng các thiết chế văn hóa và bảo đảm an ninh, trật tự nông thôn. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới; chủ động nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Ngọc Anh