Hà Nội: Xây dựng thành công mô hình nông thôn mới kiểu mẫu

 106 lượt xem
Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”, khu vực nông thôn Hà Nội ngày càng khởi sắc với nhiều thành tựu nổi bật. 

Gia Lâm là huyện mới nhất đạt chuẩn NTM, đã có nhiều cách làm hiệu quả giúp thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Từ năm 2010, huyện còn khó khăn, nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt, như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế-xã hội, hộ nghèo, môi trường… Do đó, huyện Gia Lâm xác định “Xây dựng NTM gắn liền với phát triển đô thị” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 
Trong 10 năm qua, huyện tập trung mọi nguồn lực, đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Kết quả: 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 84,6%;... Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 đạt 55,4 triệu đồng/năm (tăng 37,5 triệu đồng so với năm 2010); huyện không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 6,25%)... Với những thành tích đạt được, huyện Gia Lâm có 100% xã đạt chuẩn NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn TP Hà Nội (giai đoạn 2010-2020), sau 10 năm, Hà Nội đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) và 355/386 xã (tỷ lệ 91,9%) đạt chuẩn NTM, trở thành địa phương đứng thứ ba cả nước về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (sau Nam Định và Đồng Nai). Trong quá trình xây dựng NTM, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, giúp nền sản xuất nông nghiệp của Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. 
Đời sống nhân dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 51,48 triệu đồng/năm (tăng 38,48 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,81%. Cùng với đó, trong 10 năm qua, thành phố cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, làm mới 368km, nâng cấp cải tạo hơn 5.500km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới 481 trường, nâng cấp cải tạo 987 trường THCS, tiểu học và mầm non đạt chuẩn... Ngoài ra, hệ thống y tế cơ sở được củng cố và tăng cường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,2%.
Bước sang giai đoạn 2018-2020, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện nay, 3 xã của huyện Đan Phượng (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung) đã đạt chuẩn NTM nâng cao với những điểm nhấn: Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận. Đây là mô hình sẽ được triển khai rộng rãi tại các địa phương trên địa bàn thành phố với mục tiêu xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững.
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch phân bổ kinh phí đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mức tăng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong 10 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đạt hơn 76,4 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố gần 26.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện hơn 32,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp xã hơn 3,4 nghìn tỷ đồng. 
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, thành phố đã vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 14.700 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí thành phố đã huy động để thực hiện chương trình. Đặc biệt, người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí là hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ gia đình đóng góp đất là những cá nhân điển hình trong Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, 12 quận nội thành cũng đã tích cực hỗ trợ các huyện ngoại thành trong xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 633 tỷ đồng; riêng quận Thanh Xuân hỗ trợ các huyện gần 245 tỷ đồng.
Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU khẳng định, những kết quả trong xây dựng NTM trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục mở ra chặng đường để Hà Nội xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Theo đó, thành phố cần tiếp tục phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội, như: Y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. 
                                                                                                                                                                                              G.Linh
 

 
Ý kiến của bạn