Vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) long trọng tổ chức Lễ công bố huyện Châu Thành A đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Từ năm 2011, chính quyền và người dân nơi đây quyết tâm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào thi đua: Nhân dân tự đầu tư kinh phí 100% để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, thủy lợi; kè mé chống sạt lở, sửa chữa đường; xóa 100% nhà tạm, dột nát… Để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền huyện Châu Thành A đã đề ra những định hướng mang tính đột phá như: Ban hành nghị quyết về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong gia đình chính sách, đảng viên thuộc diện hộ nghèo; Xây dựng quyết tâm chính trị với công thức: 6 + 9 + 4 + 1 + 1 (6 xã đạt chuẩn NTM, 9 tiêu chí huyện NTM, 4 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 1 xã NTM nâng cao và 1 xã không còn hộ nghèo).
Qua hơn 8 năm thực hiện, đến năm 2019, những con số ấn tượng về xây dựng NTM là minh chứng cho quyết tâm của người dân và sự chỉ đạo hoàn toàn đúng hướng của lãnh đạo địa phương, cụ thể: toàn huyện có 6/6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; 4 thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Xã Thạnh Xuân đạt 16/16 tiêu chí xã NTM nâng cao và là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh (0,8%); trên địa bàn huyện có 20 ấp không còn hộ nghèo; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành A được cơ giới hóa khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch; đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung 5.000 ha.
Toàn huyện có 800 mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó 240 mô hình đạt lợi nhuận từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên; huyện có 20 sản phẩm đã gửi đăng ký sản phẩm OCOP (mỗi xã NTM gắn với một sản phẩm), nổi bật như: Xoài cát, sữa dê, nhãn, cỏ may mắn, cây đinh lăng…
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn (bên phải) trao Bằng công nhận huyện Châu Thành A đạt chuẩn NTM.
Xác định giao thông đóng vai trò quan trọng, mở đường cho các thế mạnh khác, huyện Châu Thành A quan tâm sửa chữa và đầu tư mới nhiều công trình hạ tầng nông thôn, qua đây không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt cộng đồng mà còn tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn. Theo đó, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện được đảm bảo theo chuẩn NTM và dọc các tuyến đường được người dân trồng hàng rào cây xanh, hoa để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời có nhiều tuyến đường được gắn đèn chiếu sáng vào ban đêm nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Toàn huyện có 22/29 trường ở các cấp học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ người dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định chiếm trên 81%; Trung tâm Y tế huyện đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; có 6 khu thể thao xã và 53 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn theo quy định...
Đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện Châu Thành A đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, riêng thu nhập bình quân tại 6 xã NTM của huyện đạt trên 46 triệu đồng/người/năm, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo ở 6 xã còn dưới 3%, trong khi vào thời điểm năm 2011 là 19,92%. Phấn đấu cuối năm 2020, mức thu nhập bình quân của toàn huyện Châu Thành A đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Phát biểu tại Lễ công nhận, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chúc mừng và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu xây dựng NTM của huyện Châu Thành A. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, có được kết quả này là nhờ vào sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện đã nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích đáng tự hào, đóng góp vào thành tích chung của cả nước.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là thành quả cơ bản ban đầu, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân để làm rõ hơn về nhận thức và chuyển biến thành hành động, cần có kế hoạch, lộ trình nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như: nâng cao thu nhập; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo môi trường; xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống.
Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng, năng suất và giá trị của các nông sản chủ lực ở địa phương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; chủ động triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, quảng bá nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương ra các địa phương trong và ngoài nước....
Ngọc Anh