Thanh niên tiên phong trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

 788 lượt xem
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, thời gian vừa qua, thanh niên Quảng Ninh và Bắc Kạn đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, đem lại nhiều hiệu quả tích cực. 

Tuổi trẻ Quảng Ninh tích cực hưởng ứng
Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa phương, cùng với sự vào cuộc, cách làm quyết liệt, khoa học của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng thương hiệu Tỉnh.
Qua 6 năm triển khai, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được Trung ương đánh giá cao và được lựa chọn làm điểm để nhân rộng ra toàn quốc. Đến nay, toàn Tỉnh có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia Chương trình. Trong đó, có 196 sản phẩm đạt sao; thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm OCOP. 
Hiện nay, toàn Tỉnh có 32 trung tâm và điểm bán hàng OCOP, trong đó Hạ Long có 7 điểm, Tiên Yên có 5 điểm, Uông Bí 4 điểm, Cẩm Phả 3 điểm, Bình Liêu 3 điểm, Móng Cái 2 điểm, Đông Triều 2 điểm, các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô, Hoành Bồ, Quảng Yên mỗi đơn vị có 1 điểm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP bước đầu tiếp cận được thị trường cho 29 sản phẩm có thế mạnh của Tỉnh, trong đó: 21 sản phẩm thương hiệu thuộc “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản của tỉnh Quảng Ninh”.
 
Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được xếp hạng từ 3-5 sao tạo được uy tín với khách hàng. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

 Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã chuyển giao, tiếp nhận và giải quyết các điểm nghẽn về kỹ thuật, ứng dụng thành công trên 145 quy trình kỹ thuật tiên tiến và đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho gần 3000 hộ nông dân về vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc, xuất xứ và được công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm bán sản phẩm đã từng bước được đầu tư kiên cố, khang trang, lịch sự, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. 
Đặc biệt, ĐVTN Quảng Ninh đã phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã theo Luật 2012; phát huy lợi thế về tiềm năng sản phẩm địa phương, sáng tạo triển khai thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, nhiều người đã tham gia sản xuất và hoạt động thương mại một cách tích cực theo quy mô lớn, thu hút một số doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư. Thông qua thực tiễn triển khai chương trình, nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế dám nghĩ, dám làm, đang từng bước khẳng định được thương hiệu đối với các sản phẩm do mình sản xuất.
Tỉnh đoàn Bắc Kạn triển khai bài bản
Với nhận thức về tầm quan trọng của Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, BTV Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã quyết liệt chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức tuyên truyền về nội dung của Đề án, bao gồm: Sự cần thiết, nguyên tắc của OCOP; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng; nội dung Chương trình OCOP; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đề xuất ý tưởng sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm ...Từ đó khởi đầu Chương trình OCOP của thanh niên và cộng đồng. 
BTV Tỉnh đoàn đã tập trung tuyên truyền, giới thiệu về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của ĐVTN với Chương trình OCOP.
Năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đánh giá xếp hạng, cấp giấy công nhận cho 37 sản phẩm của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất, trong đó có 6 sản phẩm của thanh niên OCOP như: Mật ong rừng của HTX Hương rừng, trà giảo cổ lam của HTX Dược liệu Bảo Châu, lạp xườn gác bếp của HTX Nhung Lũy; trà mướp đắng rừng và chè Như cố của HTX Thanh niên - Như cố; gạo bao thai Chợ Đồn - HTX Hoàn Thành. Đây đều là sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận; các HTX phát triển có chiều sâu, ổn định, tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ sản phẩm, và đã trở thành tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn học hỏi cách khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP.
 
Tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen của HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thành đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao (Ảnh: Cổng TTĐT Bắc Kạn)

Bên cạnh đó, công tác quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của ĐVTN được các cấp bộ Đoàn chú trọng, BTV Tỉnh đoàn đã phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP của đoàn viên, thanh niên tham dự Hội chợ Dược liệu và các sản phẩm của y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất tại thành phố Hà Nội. Qua Hội chợ, các bạn ĐVTN có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, hợp tác, mở rộng thị trường để đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng trong cả nước. Từ đây, một số huyện, thành đoàn trong Tỉnh đã tổ chức “Gian hàng sản phẩm OCOP của thanh niên” tại các phiên chợ của địa phương.
Nhằm đồng hành với thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo,  khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP, BTV Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện cho các HTX thanh niên vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn.
                                                                                                                                                                                     Ngọc Anh

 
Ý kiến của bạn