Đồng Nai xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện theo hướng bền vững

 121 lượt xem
Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, là một trong tám tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng nguồn vốn huy động, thực hiện chương trình giai đoạn 2011 - 2019 là hơn 376.931,489 tỷ đồng. Đây là nguồn lực được tỉnh xác định có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tính đến ngày 30/12/2013, có 126/126 xã được phê duyệt Đề án quy hoạch nông thôn mới, đạt 100%. 133/133 xã được phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới, đạt 100%. Các Đề án quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới thực hiện đúng nội dung, quy trình theo hướng dẫn của liên bộ và của tỉnh.
Tỉnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đã thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 3.801,2 km đường; duy tu, sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên gần 2.000 km đường. Huy động sức dân triển khai nâng cấp, cứng hoá các tuyến đường, thôn xóm, đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh. 133/133 xã có đường nhựa, bê tông tuyến UBND xã tới UBND huyện. Các tuyến đường ngõ xóm được cứng hóa, sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%.
Hệ thống thủy lợi được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới; toàn tỉnh hiện có 130 công trình thủy lợi đang hoạt động phục vụ tưới tiêu cho 20.654,7 ha; cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt đạt 55.925m3/ngày, ngăn mặn và ngăn lũ 9.594 ha. Năm 2019, số hộ có điện trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,9%, tăng 3,3% so với năm 2011. Hệ thống trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khu vực nông thôn được củng cố và nâng cấp. Năm 2019, 100% số trường học khu vực nông thôn đạt chuẩn về cơ sở vật chất, tăng 61,1% so với năm 2011, trong đó có 65,6% trường học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư khu vực nông thôn. 
Kết cấu hạ tầng thông tin truyền thông tiếp tục được tăng cường. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông, internet, điểm thông tin khoa học, công nghệ, đài truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp. 100% UBND xã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; sử dụng phần mềm quản lý văn bản, phần mềm một cửa điện tử eCiov và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, người dân đúng hạn trên 95%. Hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện, 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trong đó có một số trạm y tế xã được nâng cấp thành phòng khám đa khoa, trung tâm y tế khu vực. 
Toàn tỉnh có 126 chợ nông thôn, cơ bản đảm bảo đạt chuẩn theo quy định về diện tích, mặt bằng xây dựng, có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện, cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, thu gom rác thải, nước thải đảm bảo vệ sinh. Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 204 căn nhà từ nguồn ngân sách nhà nước cho nhân dân; huy động từ các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp sửa chữa, xây dựng mới 9.151 căn nhà tình thương. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng là 96%, tăng 11 % so với năm 2011.
Tỉnh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống (chiếm khoảng 33% so với tổng diện tích có nhu cầu áp dụng trên địa bàn tỉnh); hướng mạnh tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính như cà phê, sầu riêng, chôm chôm, hồ tiêu… đều tăng; 18 đơn vị được cấp nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm xoài, rau, sầu riêng, điều, chuối, tiêu, gạo…
Chăn nuôi phát triển đúng hướng, theo mô hình trang trại với quy mô lớn, chiếm phần lớn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như nuôi heo trong chuồng lạnh, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, nuôi bò sinh sản, nuôi gà trên thảm sinh học... Toàn tỉnh có 32.160 ha nuôi trồng thủy sản, một số mô hình nuôi cá lăng, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm càng xanh... đem lại thu nhập cao. Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng đạt 29,76%. Tốc độ tăng trường giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2018 đạt 3,09%/năm. 
Từ kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy nông nghiệp trên địa bàn phát triển toàn diện theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt khá, tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 3,67%. Giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản/ha năm 2018 đạt 228,8 triệu đồng, gấp 2,33 lần so với năm 2010.
Kinh tế trang trại phát triển mạnh, hiện tại tỉnh có 3.261 trang trại, giúp người dân phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trên địa bàn toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Phát triển ngành nghề nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; trên địa bàn tỉnh có trên 16.551 cơ sở ngành nghề nông thôn. Hoạt động của các cơ sở ngành nghề đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hiện có 9.803 cơ sở, trong đó 8.402 cơ sở kinh doanh cá thể (chiếm tý lệ 85,7%). Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đến tháng 6/2019 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 163.598 tỷ đồng, chiếm 9,78% tỷ trọng công nghiệp toàn tỉnh. 
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm. Giai đoạn 2011 - 2019 đã tổ chức chiêu sinh và dạy nghề cho 61.185 lao động nông thôn, trong đó có 27.916 người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 45,63% và 33.269 người học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 54,37%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn đến nay đạt 64,39%, tăng 9,39% so với năm 2011. Tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo với nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% năm 2011, đến nay còn 0,09%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,61 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,28 lần so với năm 2011, năm 2019 ước đạt 55,61 triệu đồng/người/năm.
Sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. 100% số xã đạt tiêu chí về giáo dục; 100% trạm y tế xã được bố trí bác sĩ khám và điều trị ban đầu; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,5%, tăng 30,62% so với năm 2011. Toàn tỉnh có 97,25% số ấp đạt chuẩn văn hóa, tăng 8,72% so với năm 2011; có 98,92% gia đình đạt chuẩn văn hóa, tăng 2,17% so với năm 2011. Trên địa bàn tỉnh có 105 công trình cấp nước tập trung nông thôn, công suất 11.209 m3/ngày đêm; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 72,8%, tăng 30,66% so với đầu năm 2011. Các địa phương đã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Hệ thống chính trị - xã hội luôn được củng cố và tăng cường, tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh đảm bảo ổn định, giữ vững, góp phần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
                                                                                                                                                                       Hoài Thanh 
 

 
Ý kiến của bạn