Thái Nguyên tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới

 122 lượt xem
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, bằng quyết tâm chính trị cao và điều hành quyết liệt, năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến căn bản. 

Huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc 

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tuyên truyền về Phong trào thi đua luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm tổ chức triển khai, thực hiện với những nội dung và hình thức phong phú: Toàn Tỉnh đã tổ chức 20.389 hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên từ các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh, cấp huyện đến xã, xóm (gồm hội nghị, sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể) với 1.370.603 lượt người tham gia; 497 cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và trang thông tin điện tử nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên và trên một số cơ quan truyền thông của Trung ương; biên soạn, in, cấp phát trên 60.000 cuốn bản tin nông thôn mới, 360 pano cho 09 xã và 09 xóm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 4.500 áp phích tuyên truyền về nông thôn mới đến tất cả các xóm trên địa bàn Tỉnh; xây dựng các video tư liệu, phóng sự tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trò chơi truyền hình về xây dựng nông thôn mới để cổ vũ, khích lệ cán bộ, nhân dân hiểu và tham gia xây dựng nông thôn mới tích cực hơn.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phát động Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng ứng sâu rộng. Các sở, ban, ngành của tỉnh tích cực triển khai thực hiện Phong trào thi đua thông qua việc tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng Chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; triển khai các chương trình liên kết, hỗ trợ nguồn lực để cải thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Các địa phương triển khai nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động tích cực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình xây dựng nông thôn mới của Tỉnh. Toàn tỉnh đã có 91 xã đạt 19 tiêu chí; trong đó có 88 xã (61,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48 xã so với năm 2015, cao hơn 2,3 lần so với khu vực Miền núi phía Bắc (26,45%) và cả nước (50,26%). 
Dự kiến hết năm 2019 sẽ có 101 xã đạt chuẩn (bằng 70%), về đích sớm trước 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 03 tiêu chí so với năm 2015 (khu vực Miền núi phía Bắc 12,28 tiêu chí; cả nước 15,26 tiêu chí). Không còn xã dưới 06 tiêu chí (năm 2010 có 85 xã dưới 06 tiêu chí). 
Có 03/09 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã lựa chọn xây dựng thí điểm 09 xã và 09 xóm nông thôn mới kiểu mẫu tại 09 huyện, thành phố, thị xã. Xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn Tỉnh sẽ có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 12 xóm được công nhận đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Sức dân tạo thành nguồn lực để phát triển bền vững

Sau 10 năm triển khai Thái Nguyên là tỉnh được Trung ương đánh giá dẫn đầu trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc về thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt 16,5 tiêu chí/1 xã và chỉ tiêu này cũng vượt xa so với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Hỗ trợ xi măng trong xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hạ tầng khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phục vụ phát triển sản xuất; ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình kênh mương thủy lợi, đường giao thông; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới; triển khai dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp tập trung; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất… Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. 

Mặt khác, hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển đồng bộ và có nét mới, đặc biệt là hệ thống giao thông đã đáp ứng được nhu cầu về sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, các hạ tầng về đường, điện, trường, trạm, các hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình thủy lợi cũng như hệ thống trường học, trạm xã cũng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Sản xuất nông nghiệp đã nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên hơn 38 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là mức dẫn đầu trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thậm chí cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội được các địa phương quan tâm. An ninh, trật tự được giữ vững tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và đối với phong trào xây dựng NTM. Bằng các chính sách và huy động nguồn lực của tỉnh, toàn Tỉnh xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được hơn 8.000km đường giao thông nông thôn các loại. Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến huyện đã được cứng hóa, hầu hết các tuyến đường liên xóm cũng hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.
Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp trong toàn Tỉnh, đã đi vào thực tiễn đời sống, được các cấp, các ngành hưởng ứng và thu hút đông đảo quần chúng tham gia, tạo nên sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua Phong trào thi đua đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo thiết thực với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế gắn với xây dựng nông thôn mới. 
Kết quả thực hiện Phong trào thi đua đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, diện mạo nông thôn trên địa bàn Tỉnh được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và việc làm của nhân dân được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ sạch tiếp tục được đẩy mạnh.
                                                                                                                                                                                                             Hoài Thanh 

 
Ý kiến của bạn