Tỉnh Nam Định: những kinh nghiệm quý về xây dựng nông thôn mới

 706 lượt xem
 

Đồng thuận từ nhân dân đến chính quyền các cấp
Nam Định là tỉnh ven biển nằm phía Đông Nam đồng bằng sông Hồng, có 10 đơn vị hành chính, gồm: Thành phố Nam Định (đô thị loại I) và 9 huyện, với 229 xã, phường, thị trấn. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Nam Định đã đạt những kết quả to lớn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Giai đoạn 2010 - 2015, UBND Tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai trực tiếp, toàn diện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 96/209 xã, đồng thời chỉ đạo thực hiện từng phần ở những xã còn lại. Đến tháng 12/2015, toàn tỉnh có 112 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 86/96 xã theo kế hoạch và 26 ngoài kế hoạch); huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới với 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM cấp xã.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Nam Định triển khai xây dựng nông thôn mới với 3 nội dung chính: Tiếp tục nâng cao tiêu chí của 112 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 và triển khai xây dựng nông thôn mới tại 97 xã, thị trấn còn lại và xây dựng nông thôn mới cấp huyện tại 9 huyện, thành phố. Đến 13/12/2018, toàn Tỉnh có 209/209 xã (100% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến tháng 7/2019 có 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thị trấn của Tỉnh đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, đã có 30 xã đề nghị thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đăng ký xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Hải Hậu đang tập trung nguồn lực thực hiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp bền vững.
Đến tháng 7/2019, Nam Định đã về đích nông thôn mới, sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng cao. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực sự trở thành miền quê đáng sống, được nhiều địa phương trong cả nước tới thăm quan, học tập.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 3,1%/năm. Tỉnh xây dựng 25 chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và phát triển thị trường cho 150 sản phẩm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010; hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao... tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện; chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn ngày một tốt hơn. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm; trẻ em ở độ tuổi mầm non, học sinh các cấp học được thụ hưởng cơ sở hạ tầng giáo dục khang trang, sạch đẹp. Gần 1/4 thế kỷ, Nam Định là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn được nâng lên đáng kể.
Công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn đã trở thành hoạt động thường xuyên ở các địa phương. Môi trường nông thôn được xây dựng theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Các mô hình như: “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường, cộng đồng trực tiếp quản lý, bảo vệ môi trường nông thôn được triển khai rộng khắp trong toàn Tỉnh. Nông thôn Nam Định đã được nhiều địa phương trong cả nước tới thăm quan, học tập.
Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân có chuyển biến tích cực. Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực, đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn Tỉnh.
Thành công từ những chính sách trúng và đúng
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt được kết qủa quan trọng. Từ năm 2011 đến tháng 6/2019, tổng số vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 21.92 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 26,3%, vốn tín dụng 35,9%, vốn doanh nghiệp 11,9%, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 17,1%, vốn lồng ghép 4,9%, vốn khác 3,8%. Ngoài ra, các thành phần kinh tế, các hộ dân huy động gần 86.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Thông qua dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp và phong trào giải phóng mặt bằng, các hộ nông dân đã góp 2.897 ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng) và hiến 206 ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi...
Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nam Định rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là: Kế thừa thành tựu và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn qua các thời kỳ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ về nông nghiệp, nông thôn. Phát huy cao vai trò, chủ động trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị trong xây dựng nông thôn mới.
Hai là: Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; phát động rộng khắp phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện chương trình.
Ba là: Trong triển khai thực hiện luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm; phát hiện khâu đột phá, khuyến khích cách làm hay, sáng tạo ở địa phương, cơ sở, như: Chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp; thực hiện giải phóng mặt bằng theo cơ chế xây dựng nông thôn mới để vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình; làm từ hộ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã, huyện…
Bốn là: Khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; kêu gọi người con quê hương Nam Định trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng nông thôn mới tại quê hương. Xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Năm là: Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông thôn. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng trong vận động, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đảm bảo giữ vững an ninh nông thôn, trật tự, an toàn xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, động viên, khen thưởng phù hợp tạo động lực cho các phong trào thi đua và huy động các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
                                                                                                                                                                Hoài Thanh

 
Ý kiến của bạn