Triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong điều kiện là một tỉnh nghèo, có điểm xuất phát rất thấp và trong quá trình thực hiện có thời điểm gặp nhiều biến cố, khó khăn lớn như ảnh hưởng sự cố môi trường biển, bão lũ, hạn hán nặng, dịch bệnh trên diện rộng...Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đạt nhiều thành tựu quan trọng làm thay đổi lớn diện mạo nông thôn.
Nhiều chính sách chú trọng chiều sâu
Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND Tỉnh phát động Phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015.
Ủy ban nhân dân Tỉnh đã đã ban hành Kế hoạch số 3824/KH-UBND ngày 04/11/2011 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 và xác định mục tiêu nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo đồng thời ban hành Kế hoạch 489/KH-UBND ngày 29/12/2016 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở kế hoạch của cả giai đoạn, hàng năm Tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ban hành hướng dẫn sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các giai đoạn, 5 năm và tổng kết 10 năm.
Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, nhiều cơ chế chính sách để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới và Phong trào thi đua; Thường trực Ban Chỉ đạo nông thôn mới Tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tỉnh phân công và giao nhiệm vụ cho các thành viên chỉ đạo, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở các lĩnh vực và địa phương.
Triển khai thực hiện các kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua của Tỉnh, UBND huyện, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhiều cơ chế, chính sách; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, quy định về khen thưởng tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua.
Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt. Giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, doanh nghiệp nhận đỡ đầu các xã xây dựng nông thôn mới; kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, con em địa phương ở mọi miền Tổ quốc tài trợ nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân hiến tặng đất, tài sản để thực hiện Phong trào, góp phần hoàn thành các tiêu chí nhanh, bền vững.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh tổ chức có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện và tổ chức ký kết chương trình phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp thương phân công nội dung để thực hiện Cuộc vận động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo; thực hiện quan điểm “Nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển”; đặc biệt, phong trào xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu được Mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tham gia đã tạo ra sự lan tỏa nhanh và ngày càng khẳng định tính tất yếu của việc xây dựng nông thôn mới bền vững đã tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức, ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân.
Phong trào thi đua đỡ đầu các xã trong xây dựng nông thôn mới: Đã được triển khai phát động tới các cơ quan hành chính nhà nước và chấp thuận các doanh nghiệp đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND Tỉnh có thư kêu gọi các tổ chức, đơn vị đăng ký đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới, đến nay có 114 đơn vị đỡ đầu cho 192 xã. Tất cả các huyện, thành phố, thị xã đều đã tổ chức tốt các hoạt động kêu gọi đỡ đầu, tài trợ, có quyết định giao cho các tổ chức, đơn vị đỡ đầu các xã; huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, con em ở xa quê. Tổng kinh phí đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến 31/8/2019 là 1.405,380 tỷ đồng.
Các phong trào, mô hình triển khai đồng bộ
Năm 2013 thí điểm xây dựng 5 Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó nhân rộng ra toàn Tỉnh và được nhân dân hưởng ứng tích cực, tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 16/6/2017 về tổ chức Cuộc thi “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Vườn mẫu Hà Tĩnh”. Đến nay, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào rộng khắp, tạo diện mạo mới cho nông thôn ở nhiều địa phương. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tạo động lực trực tiếp cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, phát triển kinh tế hộ gia đình, môi trường sống được cải thiện, tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết hơn.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị đã hưởng ứng mạnh mẽ và phát động các phong trào trong ngành, đơn vị với hiệu quả thiết thực đóng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của các địa phương, tiêu biểu là các Phong trào:
Phong trào “Toàn dân làm giao thông nông thôn” trong 10 năm qua đã làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Cụ thể: Toàn Tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa được 7.438 km đường giao thông nông thôn các loại, 509 cầu trên các tuyến đường GTNT; 520,43 km mương, rãnh thoát nước...
Phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… Hơn 31.800 lượt ngày công của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị, phối hợp với Dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 38 xã thuộc 13 huyện, thị, thành phố.
Phong trào “Cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, mỗi năm huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp 01 ngày lương với hơn 4 tỷ đồng để tài trợ đỡ đầu cho các xã trong xây dựng nông thôn mới, ngoài ra huy động các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân chung tay đóng góp với số tiền thu được gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đã huy động gần 10.000 lượt ngày công tình nguyện giúp nhân dân, các xã thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tham gia hàng nghìn ngày công xây dựng nông thôn mới, tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi và vệ sinh môi trường, trồng hơn 2.300 cây xanh tại các xã biên giới, chỉnh trang, xây dựng vườn mẫu theo các tiêu chí nông thôn mới của địa phương.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với nội dung chủ yếu: Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình hạnh phúc; giúp hộ nghèo có địa chỉ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa gắn với các sản phẩm chủ lực theo mô hình liên kết chuỗi; thực hiện tiêu chí “3 sạch” gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu... Thành lập trên 3.000 mô hình thực hiện các tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã phát động Phong trào thi đua “Tuổi trẻ Hà Tĩnh chung sức xây dựng Nông thôn mới” đã gặt hái được nhiều thành công như: Mô hình “Đường điện thanh niên thắp sáng làng quê”; Phong trào “Tuổi trẻ Hà Tĩnh chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Đến nay đã xây dựng được hơn 2.250 tuyến đường điện thanh niên thắp sáng làng quê chiều dài 1.950 km, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Mô hình “Vườn ươm thanh niên, đường hoa thanh niên” xây dựng nông thôn mới đã xây dựng được 360 vườn/262 xã, phường, thị trấn, đồng thời giúp các khu dân cư xây dựng các tuyến đường, các hàng rào xanh với tổng chiều dài hơn 160 km…
Phong trào “Toàn Hội chung sức xây dựng Nông thôn mới” được Hội Cựu Chiến binh tỉnh tổ chức đến từng cấp Hội. Hội đã vận động các hội viên hiến hàng triệu m2 đất các loại, trong đó có 956.254 m2 đất ở và đất vườn, vận động xóa bỏ 28.934 vườn tạp, xây dựng được 1.372 vườn mẫu theo quy chuẩn các cấp. Đến nay toàn Hội có 2.548 mô hình kinh tế có hiệu quả, có nhiều mô hình cho thu nhập 500 triệu đồng/năm trở lên; đã xóa 492 nhà tranh tre dột nát; sửa chữa, nâng cấp 712 nhà và làm mới 524 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.
Sau 10 năm triển khai, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020, bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010); có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75,5% tổng số xã); không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn; huyện Can Lộc đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoài Thanh