Quảng Nam hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

 115 lượt xem
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Quảng Nam đã có 85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 41,67% tổng số xã), không còn xã dưới 5 tiêu chí. Huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn của toàn Tỉnh là 14,27 tiêu chí/xã (tăng 11,66 tiêu chí/xã so với năm 2010); có 58 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 31,58 triệu đồng/năm. 

Triển khai dựa trên thực tế tại địa phương
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Từ cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân Tỉnh chính thức phát động Phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện đi vào chiều sâu. 
Hưởng ứng Phong trào, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện. Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai nhiều mô hình phong trào “Dân vận khéo”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình, góp công sức, kinh phí thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “5 không, 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới như: Xây dựng “Công trình đường giao thông nông thôn”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”, “Những bông hoa đời thường”, phong trào “Túi rác tiết kiệm”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới ”... 
Tỉnh Đoàn Quảng Nam với phong trào “Thanh niên Quảng Nam chung tay xây dựng nông thôn mới ”. Hội Nông dân Tỉnh, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh Tỉnh đã phát động các cuộc vận động, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các hội viên và người dân; tổ chức ký các chương trình phối hợp, giao ước thi đua giữa các tổ chức đoàn, hội và với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Phong trào xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố và các xã trong Tỉnh đã cụ thể hóa, phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế địa phương.
Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú, được các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị quân đội, công an tích cực hưởng ứng tham gia. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ cấp thôn và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Tỉnh. 
Trước hết phải kể đến trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và vai trò nêu gương của cán bộ, Đảng viên trong Đảng bộ xã, thị trấn, huyện được phát huy theo tinh thần “Đảng viên đi trước, gương mẫu để quần chúng noi theo”: Tham gia đóng góp ngày công lao động trong xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa…, gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học… Trong các buổi, đợt, hội nghị tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng thường xuyên lồng ghép nội dung thực hiện Phong trào xây dựng nông thôn mới. 
Nhiều cách làm hay, hiệu quả từ các phong trào thi đua
Qua thực hiện phong trào, trên bàn tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện một số cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với địa phương như: Phong trào “Phát huy nội lực, hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới”, phong trào “Xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh - sạch - đẹp; phong trào “Sáng - xanh đường làng”; phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu; phong trào “Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh’’; mô hình “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Tiếng kẻng an ninh”...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng cụ thể hóa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thành phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đi vào chiều sâu; đã lựa chọn 2/5 tiêu chí “Không” và 2/3 tiêu chí “Sạch” để chỉ đạo thống nhất chung trên toàn Tỉnh (gồm: Không đói nghèo, Không bạo lực gia đình; Sạch từ nhà ra ngõ, Sạch từ ngõ ra đường) và các tiêu chí còn lại giao Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện lựa chọn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. 100% cơ sở Hội đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (mô hình: Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới; làng quê không rác thải; nhà sạch, vườn đẹp; đường hoa thay cỏ dại; trồng bồn hoa, cây cảnh tại các nhà văn hóa thôn; hỗ trợ phụ nữ xây dựng các công trình vệ sinh...) được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Riêng giai đoạn 2016 - 2019, toàn Tỉnh có hơn 150 mô hình “Dân vận khéo”, 1.565 mô thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 744 mô hình phát triển kinh tế, 493 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn và hàng trăm mô hình trên các lĩnh vực đời sống xã hội... có hiệu quả và được nhân rộng. 
Từ Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai, tài sản như: Hộ gia đình ông Trần Minh Thu, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My đã 3 lần hiến hơn 4.000 m2 đất để xây dựng trường học. Từ quan niệm “Việc làng, đất vàng cũng hiến”, ông Hồ Văn Vàng, người dân tộc Ca Dong tại thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My tự nguyện hiến hơn 6.000 m2 đất làm đường và xây nhà tái định cư cho dân làng, góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống. Ông Lê Tất Dũng, xã Đại An, huyện Đại Lộc đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng và công sức xây dựng cây cầu phao cho người dân đi lại.
Với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên; hình thành và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; kết cấu hạ tầng thiết yếu nông thôn từng bước được hoàn thiện; lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình nông thôn mới đảm bảo đạt theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đề ra. 
Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030 với phương châm: “Xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”; từ xã nông thôn mới, lên xã nông thôn mới nâng cao, rồi xã nông thôn mới kiểu mẫu... xây dựng khu, thôn, xóm, hộ nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là cách làm, là bước đi để hướng tới đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.
                                                                                                                                                                      Hoài Thanh 
 

 
Ý kiến của bạn