Sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới tại TP.HCM, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đã và đang dần thu hẹp sau mỗi năm. Đáng chú ý là giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 5 lần cả nước, số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí Quốc gia và tiêu chí của TP.HCM đều cao, dẫu rằng số hộ tham gia hợp tác xã còn ít, chỉ chiếm 7,7% hộ sản xuất nông nghiệp và số hộ làm nông nghiệp của toàn TP.HCM đang giảm dần.
Vai trò người dân quyết định thành công của phong trào
Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP.HCM hồi năm 2008 là 15,72 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 đã là 63,096 triệu đồng/người/năm. Đây chính là thành quả của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực từ nhận thức. Đến nay, có 56 xã xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900 ha/năm, và số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân cũng giảm 6,38%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của TP.HCM vẫn tăng cao, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây – giống con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, và chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất. Thật vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha hồi năm 2010 đã tăng lên 502 triệu đồng/ha vào năm 2018, tức là tăng hơn 3 lần sau 10 năm.
Một trang trại trồng lan thành công tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (Ảnh: internet)
Diện tích đất giảm nhưng giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp vẫn tăng cao. Năm 2018, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm 20.005 ha so với năm 2008 (bình quân giảm 200 ha/năm) nhưng giá trị sản xuất các ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 21.402 tỷ đồng, tăng 294% so năm 2008, tốc độ tăng trưởng (GRDP) ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 233,7% so năm 2008. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, lên 375 triệu đồng/ha năm 2015 và đến cuối năm 2018 đạt 502 triệu đồng/người/ha (cao nhất cả nước, gấp hơn 05 lần bình quân cả nước).
Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện, khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp; năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn đạt 63,1 triệu đồng/người/năm, tăng 301,1% so với năm 2008 (đạt 15,73 triệu đồng/người/năm). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm năm 2019 là 72,6.
Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Hộ nghèo tại 05 huyện năm 2010 còn 42.045 hộ/291.686 hộ. Tính đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ dưới 21 triệu đồng/người/năm trở xuống còn 1.777 hộ, chiếm 0,41% trong tổng hộ dân 05 huyện.
Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả. 05 huyện đã phê duyệt 25.739 lượt tổ chức, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 12.548,5 tỷ đồng, tổng vốn vay 7.759,3 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư/phương án từ 321 triệu đồng/phương án năm 2011 đã nâng lên 1,51 tỷ đồng/phương án năm 2019. Việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giải quyết, tạo việc làm cho 60.311 lao động. Đồng thời, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao như rau sạch (doanh thu bình quân đạt 01 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con, đạt 800 triệu đồng/năm), cá cảnh (đạt trên 10 tỷ đồng/ha/năm).
Phát triển bền vững, huy động nhiều nguồn lực
TP.HCM đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các khu vực nông thôn, cũng như sửa chữa, nâng cấp và làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài hơn 1.200 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.
Thành phố tập trung phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực: (1) Rau: Diện tích gieo trồng đạt 14.400 ha, tăng 13,1% so cùng kỳ. Sản lượng đạt 407.520 tấn, tăng 13,9% so cùng kỳ. (2) Hoa, cây kiểng: Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.335 ha, tăng 8,5% so cùng kỳ; (3) Bò sữa: Tổng đàn 69.500 con, sản lượng sữa bò tươi 167.478 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ. (4) Heo: Tổng đàn 262.000 con. (5) Tổng sản lượng thủy sản đạt 45.673 tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ. (6) Cá cảnh: Đạt 158 triệu con, tăng 15,3% so cùng kỳ.
Mô hình trồng rau thủy canh tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. (Ảnh: internet)
Thành phố đã hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực theo phương thức “Hộ nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp”. Trong 10 năm thực hiện phong trào đã có 45 Hợp tác xã được thành lập mới, nâng tổng số Hợp tác xã trên địa bàn lên 76 Hợp tác xã, là cầu lối quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa “Hộ nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp”. Việc triển khai chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã góp phần tạo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng đều, giảm chi phí nhân công.
Phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Đã huy động được 26.043 hộ dân hiến 2.972.304 m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố cùng các đơn vị, các sở, ngành, hội, đoàn thể, các công ty, doanh nghiệp, hộ dân và cá nhân thuộc 24 quận, huyện đã cùng chung tay, chung sức hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn,... với tổng kinh phí hỗ trợ là 557,9 tỷ đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.
Hoài Thanh