Với quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã được nhân dân trong toàn tỉnh Bình Thuận đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Theo đó, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kết, đồng lòng xây dựng nông thôn mới
Trong giai đoạn (2010 - 2020), tỉnh Bình Thuận có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 60,42%, hoàn thành về trước 01 năm chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết HĐND tỉnh giao trong giai đoạn (2015 - 2020), vượt 08 xã so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã, tăng 11,41tiêu chí/xã so với thời điểm bắt đầu thực hiện và cao hơn 0,14 tiêu chí/xã so với cả nước (cả nước bình quân đạt 15,26 tiêu chí/xã). Huyện Phú Quý đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; hiện nay thành phố PhanThiết đang hoàn chỉnh hồ sơ trình công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nôngthôn mới; dự kiến trong năm 2020 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Đức Linh đạt chuẩn.
Những con đường đất lầy lội đã được cứng hóa, bê tông hóa… thông suốt trong xã. Nhà tạm, nhà dột nát cơ bản được xóa, nhiều căn nhà khang trang được xây lên, ngõ xóm cũng sạch sẽ và văn minh hơn trước. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,88% (khoảng 60 hộ, giảm 50 hộ so với năm 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42,05 triệu đồng/người/năm (tăng 29,35 triệu đồng so với năm 2010).
Có thể nói, chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận chính là những thành tựu về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ và đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản. Với tổng nguồn vốn huy động hơn 31.000 tỷ đồng, qua gần 10 năm, Bình Thuận đã đầu tư xây mới, nâng cấp gần 980 km đường bê tông xi măng, thực hiện được nhiều tuyến đường ánh sáng nông thôn. 52 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, phong trào làm thủy lợi nhỏ tiếp tục phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.
Bên cạnh đó, gần 2.200 công trình trường học được xây dựng và sửa chữa khang trang hơn. Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn…
Nhiều cơ sở giáo dục được cải tạo khang trang (Ảnh: báo Bình Thuận)
Nếu như năm 2010, Bình Thuận không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới thì đến tháng 10/2019, Bình Thuận có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 60% tổng số xã); về đích trước 1 năm kế hoạch giai đoạn và vượt 8 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020. Huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã.
Liên kết sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp
Giai đoạn 2010 - 2015, việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới còn nặng về xây dựng cơ bản thì đến giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện theo yêu cầu và bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Bình Thuận đã tập trung đi sâu vào các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của người dân như: đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Theo đó, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm chủ lực tiếp tục được khuyến khích phát triển. Toàn tỉnh đã thực hiện sản xuất gần 1.000 ha lúa theo chương trình liên kết “4 nhà” vả 1.200 ha liên kết sản xuất lúa nếp tại huyện Đức Linh; tiếp tục duy trì 1.000 ha lúa chất lượng cao tại huyện Tánh Linh.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Đề án tập trung vào 3 nội dung chính: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng.
Nhờ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã nông thôn mới tăng lên qua các năm. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 39 triệu đồng (gấp 2,66 lần so với năm 2010).
Mục tiêu đến năm 2025, 80% số xã trong tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 77 xã) và toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bê tông hóa mang đến bộ mặt nông thôn khởi sắc (Ảnh: báo Bình Thuận)
Có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân toàn tỉnh Bình Thuận đồng tình và hưởng ứng. Chương trình đã được các cấp ủy và hệ thống chính trị của tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được kết quả to lớn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân nông thôn, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.
Hoài Thanh