Là tỉnh có điểm xuất phát xây dựng nông thôn mới thấp, các xã chỉ đạt từ 4-5 tiêu chí, nguồn thu ngân sách thấp; tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Hà Nam có nhiều thay đổi. Hà Nam đang tích cực chỉ đạo 6 xã làm điểm đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Từ mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh được thành lập. Các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo; các xã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn; đồng thời phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách huyện và xã điểm trong giai đoạn 2011 - 2015 để giúp đỡ cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo và vận hành thông suốt từ tỉnh đến thôn, xóm.
Bê tông hóa góp phần thay đổi diện mạo nông thôn (Ảnh: báo Hà Nam)
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung, các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đồng bộ, toàn diện đến cơ sở, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và tầng lớp nhân dân; chỉ đạo các sở, ban, ngành được phân công phụ trách thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ và hoàn thành vượt mức kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đề ra.
UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; tiêu biểu là Đề án “Ứng dụng một số cây trồng mới chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2017 - 2021”; Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sữa”; Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến năm 2025”; Đề án “Phát triển sản xuất các khu nuôi trồng thủy sản tập trung giai đoạn 2017 - 2020”; Đề án “Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ Sóng trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết giai đoạn 2018 - 2019; Đề án “Ứng dụng phân bón vi sinh Power Ant trên cây lúa giai đoạn 2018 - 2020”; Đề án “Quy hoạch, lập bản đồ, phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất chất lượng cao”; Đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020; Đề án “Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao”; Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.
UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức phát động Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Lễ ra quân xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia đóng góp, hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới bằng các nguồn lực tài chính, nguyên vật liệu xây dựng, máy móc, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ,... góp phần chung sức cùng các cấp, các ngành và nhân dân xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 91/98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 đơn vị cấp huyện là huyện Duy Tiên, Kim Bảng và thành phố Phủ Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017, 2018; huyện Thanh Liêm cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; 7 xã còn lại cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019.
Tích cực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Việc thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp và trở thành hành động tự giác của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để Hà Nam hết năm 2020 mỗi xã ít nhất đạt từ 5/13 chỉ tiêu trở lên trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết, đã thu hút được một số doanh nghiệp (VinEco, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk...) đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha.
Sản xuất có hợp đồng tiêu thụ được quan tâm đẩy mạnh, nhất là liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bao tiêu nông sản hàng hóa về các loại rau củ, quả, thủy sản, gia cầm và thịt lợn, là sản phẩm của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân tỉnh. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững, thu nhập bình quân đầu người từ 18,4 triệu đồng/người/năm (năm 2011) dự kiến, cuối năm 2019 thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nông thôn mới năm 2019 dự kiến còn 0,75% (năm 2015 là 2,92 %) và đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ.
Tính đến tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh có 98/98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015 có 33 xã, giai đoạn 2016 - 2019 có 65 xã; so với Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 547/KH-UBND của UBND tỉnh vượt 49 xã (đạt 100%) và về đích sớm hơn 01 năm; có 03/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Phủ Lý hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 02 huyện Lý Nhân và Bình Lục đang hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra).
Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh Hà Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn cần tập trung tháo gỡ đó là: Một số tiêu chí tuy đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn thiếu tính bền vững; các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị chậm được nhân rộng; chất lượng sản phẩm chưa thật sự có lợi thế cạnh tranh, thiếu tính ổn định, bền vững, quy mô nhỏ lẻ. Nguồn lực đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của các xã còn gặp khó khăn, nguồn vốn chủ yếu vẫn là từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Một số chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu quy định còn cao, như: Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người phải gấp 1,5 lần so với xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2019 đạt 68,25 triệu đồng/người/năm trở lên, năm 2020 đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên); 100% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững…
Thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018 - 2020, các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, phê duyệt đề án, đôn đốc xã làm điểm tích cực triển khai thực hiện, phấn đấu trong năm 2019 có từ 01 - 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn khoảng 0,5%; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 95% trở lên... sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Hoài Thanh